Bộ luật dân sự theo quy định pháp luật mới nhất
Bộ luật dân sự 2015 là Bộ luật dân sự mới nhất được áp dụng hiện nay đã được sửa đổi, bổ sung nhằm điều chỉnh các quan hệ tài sản và quan hệ nhân thân giữa các chủ thể của luật dân sự.
1. Khái quát các Bộ luật dân sự Việt Nam
Bộ luật dân sự là văn bản hệ thống hoá pháp luật dân sự được Quốc hội ban hành theo trình tự và thủ tục do pháp luật quy định, trong đó các quy phạm pháp luật dân sự được sắp xếp theo hệ thống nhằm điều chỉnh các quan hệ tài sản và quan hệ nhân thân giữa các chủ thể của luật dân sự.
– Bộ luật dân sự đầu tiên của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội khóa IX, kì họp thứ 8 thông qua ngày 28/10/1995, có hiệu lực từ ngày 1/7/1996. Bộ luật bao gồm 7 phần, 838 điều luật với những nội dung chính sau: Phần thứ nhất – Những quy định chung; Phần thứ hai – Tài sản và quyền sở hữu; Phần thứ ba – Nghĩa vụ dân sự và hợp đồng dân sự; Phần thứ tư – Thừa kế, Phần thứ năm – Những quy định về chuyển quyền sử dụng đất; Phần thứ sáu – Sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ; Phần thứ bảy – Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài.
– Bộ luật dân sự 2005 được Quốc hội khoá XI, tại kì họp thứ bảy đã thông qua Bộ luật dân sự vào ngày 14/6/2005. So với Bộ luật dân sự năm 1995, Bộ luật dân sự năm 2005 tiếp tục được chia thành 7 phần với tên gọi như Bộ luật dân sự năm 1995, đã có sự thay đổi cơ cấu các điều luật, chỉ còn 777 điều.
– Sau gần 10 năm thực hiện, Bộ luật dân sự năm 2005 đã bộc lộ nhiều bất cập, đặc biệt cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội đã đặt ra yêu cầu, sự đòi hỏi mới để điều chỉnh của pháp luật đối với các quan hệ pháp luật dân sự. Chính vì vậy, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 24/11/2015.
2. Tóm tắt nội dung Bộ luật dân sự 2015
Bộ luật dân sự 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017, được chia thành 6 phần và chỉ còn 689 điều. Bộ luật này quy định địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân; quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản của cá nhân, pháp nhân trong các quan hệ được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm (sau đây gọi chung là quan hệ dân sự) những nội dung chính như sau:
– Phần thứ nhất “Quy định chung” (Điều 1 – Điều 157)
Quy định về phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, áp dụng BLDS, áp dụng tập quán, áp dụng tương tự pháp luật; xác lập, thực hiện và bảo vệ quyền dân sự; địa vị pháp lý của chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự; tài sản; giao dịch dân sự; đại diện; thời hạn và thời hiệu.
– Phần thứ hai “Quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản” (Điều 158 – Điều 273)
Quy định nguyên tắc căn cứ xác lập, thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản; bảo vệ quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản; giới hạn quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản; chiếm hữu; quyền sở hữu; quyền đối với bất động sản liền kề, quyền hưởng dụng, quyền bề mặt.
– Phần thứ ba “Nghĩa vụ và hợp đồng” (Điều 274 – Điều 608)
Quy định về căn cứ phát sinh, thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm dân sự; biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ; giao kết, thực hiện và chấm dứt hợp đồng; một số hợp đồng thông dụng; hứa thưởng và thi có giải; thực hiện công việc không có ủy quyền; nghĩa vụ hoàn trả do chiếm hữu, sử dụng tài sản, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật và trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
– Phần thứ tư “Thừa kế” (Điều 609 – Điều 662)
Bao gồm quy định chung về thừa kế, thừa kế theo di chúc, thừa kế theo pháp luật, thanh toán, phân chia di sản.
– Phần thứ năm “Pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài” (Điều 663 – Điều 687)
Bao gồm quy định chung, pháp luật áp dụng đối với cá nhân, pháp nhân, quan hệ tài sản, quan hệ nhân thân có yếu tố nước ngoài.
– Phần thứ sáu “Điều khoản thi hành” (Điều 688 và Điều 689)
Quy định về hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp.
3. Một số điểm mới nổi bật của Bộ luật dân sự 2015
So với các Bộ luật dân sự trước đây, Bộ luật Dân sự 2015 có một số điểm mới cơ bản như sau:
– Cho phép chuyển đổi giới tính
Quy định về cho phép chuyển đổi giới tính lần đầu tiên được đưa vào Bộ luật Dân sự 2015. Theo đó, Điều 37 của Luật này quy định: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định.”
Trước đó, quy định pháp luật nghiêm cấm việc chuyển đổi đối với những người đã định hình, hoàn thiện về giới tính. Tuy nhiên, Bộ luật dân sự 2015 đã ghi nhận về quyền này. Theo đó, việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật.
– Quy định riêng về quyền hưởng dụng
Tại Điều 159, Bộ luật Dân sự 2015 quy định quyền hưởng dụng là một quyền khác đối với tài sản. Bộ Luật Dân sự quy định rõ quyền hưởng dụng là quyền được khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác trong một thời hạn nhất định.
Quyền hưởng dụng được xác lập theo quy định của luật, theo thỏa thuận hoặc theo di chúc. Thời hạn của quyền hưởng dụng do các bên thỏa thuận hoặc do luật quy định nhưng tối đa đến hết cuộc đời của người hưởng dụng đầu tiên nếu người hưởng dụng là cá nhân và đến khi pháp nhân chấm dứt tồn tại nhưng tối đa 30 năm nếu người hưởng dụng đầu tiên là pháp nhân.
– Lãi suất theo thỏa thuận
Nội dung lãi suất được quy định trong điều 468 của Bộ luật Dân sự. Theo đó, trong trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.
Đối với các trường hợp cho vay dân sự, nếu các bên có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất, thì khi có tranh chấp, lãi suất sẽ được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn nêu trên tại thời điểm trả nợ.
– Thứ tự ưu tiên thanh toán trong thừa kế
Bộ luật dân sự 2015 bổ sung điểm mới về các nghĩa vụ tài sản và các khoản chi phí liên quan đến thừa kế được thanh toán tại Điều 658. Theo đó, thứ tự được ưu tiên thanh toán như sau: Chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng; Tiền cấp dưỡng còn thiếu; Chi phí cho việc bảo quản di sản; Tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ; Tiền công lao động; Tiền bồi thường thiệt hại; Thuế và các khoản phải nộp khác vào ngân sách nhà nước; Các khoản nợ khác đối với cá nhân, pháp nhân; Tiền phạt và các chi phí khác.
– Thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi
Đây là nội dung được bổ sung mới vào Bộ luật Dân sự 2015 nhằm bảo vệ đến cùng quyền và lợi ích hợp pháp người tham gia giao dịch.Theo Điều 420, hoàn cảnh thay đổi cơ bản khi có các điều kiện như: Sự thay đổi hoàn cảnh do nguyên nhân khách quan xảy ra sau khi giao kết hợp đồng; Tại thời điểm giao kết hợp đồng, các bên không thể lường trước được về sự thay đổi hoàn cảnh…Trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản, bên có lợi ích bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu bên kia đàm phán lại hợp đồng trong một thời hạn hợp lý, một trong các bên có thể yêu cầu Tòa án:
+ Chấm dứt hợp đồng tại một thời điểm xác định;
+ Sửa đổi hợp đồng để cân bằng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên do hoàn cảnh thay đổi cơ bản.
Tòa án chỉ được quyết định việc sửa đổi hợp đồng trong trường hợp việc chấm dứt hợp đồng sẽ gây thiệt hại lớn hơn so với các chi phí để thực hiện hợp đồng nếu được sửa đổi.
– Pháp nhân cũng có thể là người giám hộ
Trước đây, BLDS 2005 quy định chỉ có cá nhân mới được phép làm người giám hộ, tuy nhiên BLDS 2015 mở rộng việc giám hộ không chỉ là cá nhân mà còn là pháp nhân.Pháp nhân có đủ các điều kiện sau có thể làm người giám hộ:
+ Có năng lực pháp luật dân sự phù hợp với việc giám hộ.
+ Có điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.
Quy định nội bộ về cho vay, quản lý tiền vay của tổ chức tín dụng
Tổ chức tín dụng ban hành quy định nội bộ về cho vay, quản lý tiền vay phù hợp với đặc điểm hoạt động kinh doanh [...]
Thủ tục đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù
Trường hợp nào được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù? Thủ tục đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù được [...]