Chủ thể phải bồi thường trong trường hợp xảy ra tình thế cấp thiết là ai?
Chủ thể phải bồi thường trong trường hợp xảy ra tình thế cấp thiết là ai? Pháp luật quy định thế nào về nghĩa vụ của người gây ra tình thế cấp thiết?
Tóm tắt câu hỏi:
Chị X do sơ ý đã để lửa bén vào đống giấy để trong bếp. Vì thời tiết hanh khô nên lửa bén to nhanh chóng. A đi ngang qua liền lấy ngay cái chăn của B phơi gần đó, nhúng nước và chụp lên đống giấy đang cháy. Đám cháy được dập tắt nhưng chăn của B bị hỏng, không dùng được nữa. Do đấy là cái chăn đắt tiền nên B đã yêu cầu A bồi thường. Xin hỏi A có nghĩa vụ bồi thường cho B vì cái chăn bị hỏng không?
Luật sư tư vấn:
Công ty TNHH Tư vấn LawKey Việt Nam cảm ơn anh/chị đã tin tưởng khi gửi câu hỏi đến LawKey. Với thắc mắc của anh/chị, luật sư LawKey tư vấn như sau:
Một số vấn đề pháp lý liên quan
Quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản trong trường hợp xảy ra tình thế cấp thiết
Điều 171 Bộ luật dân sự 2015 (BLDS) quy định Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa trực tiếp lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải có hành động gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn chặn.
Trong tình thế cấp thiết, chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản không được cản trở người khác dùng tài sản của mình hoặc cản trở người khác gây thiệt hại đối với tài sản đó để ngăn chặn, làm giảm mối nguy hiểm hoặc thiệt hại lớn hơn có nguy cơ xảy ra.
Gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải là hành vi xâm phạm quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản. Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản bị thiệt hại trong tình thế cấp thiết được bồi thường thiệt hại theo quy định Bồi thường thiệt hại trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết.
Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân
Người từ đủ mười tám tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường.
Người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 599 của Bộ luật này.
Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.
Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.
Bồi thường thiệt hại trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết
Trường hợp thiệt hại xảy ra do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết thì người gây thiệt hại phải bồi thường phần thiệt hại xảy ra do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết cho người bị thiệt hại.
Người đã gây ra tình thế cấp thiết dẫn đến thiệt hại xảy ra thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại.
Xem thêm: Bồi thường thiệt hại trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết
Đối chiếu với tình huống của anh/chị
Về nguyên tắc, chủ sở hữu tài sản có quyền yêu cầu người có hành vi gây thiệt hại đến tài sản của mình bồi thường thiệt hại.
Căn cứ vào các quy định pháp luật nêu trên, vụ cháy xảy ra là tình thế cấp thiết. Khi đó, A cần phải hành động nhanh để ngăn chặn nguy cơ cháy lớn lan sang các nhà xung quanh. B là chủ sở hữu tài sản có trách nhiệm tuân theo các quy định về nghĩa vụ của chủ sở hữu trong trường hợp xảy ra tình thế cấp thiết theo quy định tại Khoản 2 Điều 171 BLDS. Do đó, anh A không phải bồi thường thiệt hại cho bà B. Chị X là người đã gây ra tình thế cấp thiết dẫn đến thiệt hại cho bà B, nên chị X phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho bà B theo quy định tại Điều 586 BLDS 2015.
Cụ thể khoản 1 Điều 586 BLDS quy định, người từ đủ mười tám tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường.
Trên đây là nội dung Chủ thể phải bồi thường trong trường hợp xảy ra tình thế cấp thiết là ai? Lawkey gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Lawkey.
Xem thêm: Gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết có phải bồi thường không?
Thuê tài sản là gì? Các loại hợp đồng thuê tài sản
Thuê tài sản được nhiều doanh nghiệp lựa chọn trong quá trình hoạt động. Vậy thuê tài sản là gì?có các loại hợp đồng [...]
Dịch vụ xin cấp Giấy phép phân phối rượu mới nhất
Quý khách hàng đang có nhu cầu sử dụng dịch vụ xin cấp Giấy phép phân phối rượu nhưng chưa biết đơn vị nào uy tín. [...]