Các trường hợp kiểm tra thuế theo quy định của Luật quản lý thuế 2019
Kiểm tra thuế bao gồm kiểm tra thuế tại trụ sở của cơ quan quản lý thuế và kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế. Pháp luật quy định các trường hợp kiểm tra thuế và những vấn đề liên quan đến hoạt động kiểm tra thuế như sau:
Kiểm tra thuế tại trụ sở của cơ quan quản lý thuế
Điều 109 Luật quản lý thuế 2019 quy định những vấn đề liên quan đến việc kiểm tra thuế tại trụ sở của cơ quan quản lý thuế như sau:
Trường hợp kiểm tra thuế
Kiểm tra thuế tại trụ sở của cơ quan quản lý thuế do cơ quan quản lý thuế thực hiện đối với các hồ sơ thuế sau:
– Kiểm tra thuế được thực hiện trên cơ sở hồ sơ thuế của người nộp thuế nhằm đánh giá tính đầy đủ, chính xác các thông tin, chứng từ trong hồ sơ thuế, sự tuân thủ pháp luật về thuế của người nộp thuế. Công chức thuế được giao nhiệm vụ kiểm tra thuế căn cứ vào mức độ rủi ro về thuế của hồ sơ thuế được phân loại từ cơ sở dữ liệu công nghệ thông tin hoặc theo phân công của thủ trưởng cơ quan thuế thực hiện phân tích hồ sơ thuế theo mức độ rủi ro về thuế để đề xuất kế hoạch kiểm tra tại trụ sở của cơ quan thuế hoặc xử lý theo quy định;
– Kiểm tra thuế tại trụ sở của cơ quan hải quan được thực hiện nhằm kiểm tra, đối chiếu, so sánh nội dung trong hồ sơ thuế với thông tin, tài liệu có liên quan, quy định của pháp luật về thuế, kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa trong trường hợp cần thiết đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Trường hợp kiểm tra sau thông quan tại trụ sở của cơ quan hải quan thì thực hiện theo quy định của pháp luật về hải quan.
Xử lý kết quả kiểm tra thuế
– Trường hợp kiểm tra trong quá trình làm thủ tục hải quan mà phát hiện vi phạm dẫn đến thiếu thuế, trốn thuế thì người nộp thuế phải nộp đủ thuế và bị xử phạt theo quy định.
– Trường hợp hồ sơ thuế có nội dung cần làm rõ liên quan đến số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được miễn, giảm, số tiền thuế còn được khấu trừ chuyển kỳ sau, số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế không thu thì cơ quan quản lý thuế thông báo yêu cầu người nộp thuế giải trình hoặc bổ sung thông tin, tài liệu. Trường hợp người nộp thuế đã giải trình và bổ sung thông tin, tài liệu chứng minh số tiền thuế đã khai là đúng thì hồ sơ thuế được chấp nhận; nếu không thì cơ quan quản lý thuế yêu cầu người nộp thuế khai bổ sung.
Trường hợp hết thời hạn theo thông báo của cơ quan quản lý thuế mà người nộp thuế không giải trình, bổ sung thông tin, tài liệu hoặc không khai bổ sung hồ sơ thuế hoặc giải trình, khai bổ sung hồ sơ thuế không đúng thì thủ trưởng cơ quan quản lý thuế quyết định ấn định số tiền thuế phải nộp hoặc ra quyết định kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế hoặc làm căn cứ để xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra theo nguyên tắc quản lý rủi ro.
Kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế
Trường hợp kiểm tra thuế cũng như trình tự, thủ tục kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế như sau:
Các trường hợp kiểm tra thuế
– Hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế; kiểm tra sau hoàn thuế đối với hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước;
– Hồ sơ thuế có nội dung cần làm rõ liên quan đến số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm, số tiền thuế còn được khấu trừ chuyển kỳ sau, số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế không thu;
– Kiểm tra sau thông quan tại trụ sở của người khai hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan;
– Có dấu hiệu vi phạm pháp luật;
– Được lựa chọn theo kế hoạch, chuyên đề;
– Theo kiến nghị của Kiểm toán nhà nước, Thanh tra nhà nước, cơ quan khác có thẩm quyền;
– Chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, giải thể, chấm dứt hoạt động, cổ phần hóa, chấm dứt hiệu lực mã số thuế, chuyển địa điểm kinh doanh và các trường hợp kiểm tra đột xuất, kiểm tra theo chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, trừ trường hợp giải thể, chấm dứt hoạt động mà cơ quan thuế không phải thực hiện quyết toán thuế theo quy định của pháp luật.
Trình tự, thủ tục kiểm tra thuế
1. Công bố quyết định kiểm tra thuế khi bắt đầu tiến hành kiểm tra thuế;
2. Đối chiếu nội dung khai báo với sổ kế toán, chứng từ kế toán, báo cáo tài chính, kết quả phân tích rủi ro về thuế, dữ liệu thông tin kiểm tra tại trụ sở của cơ quan thuế các tài liệu có liên quan, tình trạng thực tế trong phạm vi, nội dung của quyết định kiểm tra thuế;
3. Thời hạn kiểm tra được xác định trong quyết định kiểm tra nhưng không quá 10 ngày làm việc tại trụ sở của người nộp thuế. Thời hạn kiểm tra được tính từ ngày công bố quyết định kiểm tra. Trường hợp phạm vi kiểm tra lớn, nội dung phức tạp thì người đã quyết định kiểm tra có thể gia hạn 01 lần nhưng không quá 10 ngày làm việc tại trụ sở của người nộp thuế;
4. Lập biên bản kiểm tra thuế trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hết thời hạn kiểm tra;
5. Xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo kết quả kiểm tra.
Lưu ý:
- Quyết định kiểm tra thuế phải được gửi cho người nộp thuế trong thời hạn 03 ngày làm việc và thực hiện công bố trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày ký.
- Trường hợp kiểm tra sau thông quan thực hiện theo quy định của pháp luật về hải quan.
Trên đây là nội dung bài viết Các trường hợp kiểm tra thuế theo quy định của Luật quản lý thuế 2019. Nếu có vướng mắc trong quá trình giải quyết liên hệ LawKey để được tư vấn, giải đáp nhanh nhất.
Xem thêm:
Con đã đủ 18 đang theo học có được tính là người phụ thuộc?
Con đã đủ 18 đang theo học có được tính là người phụ thuộc không? Sau đây LawKey sẽ giả đáp thắc mắc của bạn đọc [...]
Lương thử việc có đóng thuế TNCN không?
Theo quy định của pháp luật thì lương thử việc có đóng thuế TNCN hay không? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới [...]