Các trường hợp phải ký quỹ trong đầu tư
Để đảm bảo cho hoạt động đầu tư của mình, nhà đầu tư phải tiến hành ký quỹ, hoặc bảo lãnh ngân hàng. Trong bài viết dưới đây hãy cùng Lawkey tìm hiểu về các trường hợp phải ký quỹ trong đầu tư.
Ký quỹ là gì?
Căn cứ Điều 330 Bộ luật Dân sự năm 2015:
Ký quỹ là việc bên có nghĩa vụ gửi một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá vào tài khoản phong tỏa tại một tổ chức tín dụng để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ.
Đây chính là biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự. Quan hệ ký quỹ bao gồm hai bên chủ thể:
– Bên ký quỹ: là bên đã gửi tiền vào tài khoản phong tỏa để đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ dân sự
– Bên nhận ký quỹ: là bên có quyền được ngân hàng thanh toán, bồi thường thiệt hại bằng tài sản ký quỹ đó
Thủ tục gửi và thanh toán các bên chủ thể phải hoàn toàn tuân theo quy định của pháp luật về ngân hàng
Các trường hợp phải ký quỹ trong hoạt động đầu tư
Theo khoản 1 Điều 43, khoản 4 Điều 77 Luật Đầu tư năm 2020, khoản 1 Điều 25 Nghị định 31/2021/NĐ-CP:
Để bảo đảm thực hiện dự án đầu tư có đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, nhà đầu tư phải ký quỹ hoặc phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam, trừ các trường hợp sau đây:
– Nhà đầu tư trúng đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê;
– Nhà đầu tư trúng đấu thầu thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất;
– Nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất trên cơ sở nhận chuyển nhượng dự án đầu tư đã thực hiện ký quỹ hoặc đã hoàn thành việc góp vốn, huy động vốn theo tiến độ quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;
– Nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư trên cơ sở nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của người sử dụng đất khác;
– Dự án đầu tư đã thực hiện hoặc được chấp thuận, cho phép thực hiện theo quy định của pháp luật trước ngày 01 tháng 7 năm 2015 mà thuộc diện bảo đảm thực hiện dự án đầu tư.
Hình thức ký quỹ
Căn cứ khoản 1 Điều 26 Nghị định 31/2021/NĐ-CP:
Nghĩa vụ bảo đảm thực hiện dự án của nhà đầu tư được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận bằng văn bản giữa cơ quan đăng ký đầu tư và nhà đầu tư.
Thỏa thuận bảo đảm thực hiện dự án đầu tư gồm những nội dung chủ yếu sau đây:
– Tên dự án, mục tiêu, địa điểm, quy mô, vốn đầu tư, tiến độ thực hiện, thời hạn hoạt động của dự án đầu tư theo quy định tại Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;
– Biện pháp bảo đảm thực hiện dự án đầu tư;
– Số tiền bảo đảm thực hiện dự án đầu tư;
– Thời điểm, thời hạn bảo đảm thực hiện dự án đầu tư;
– Điều kiện hoàn trả, điều chỉnh, chấm dứt bảo đảm thực hiện dự án đầu tư;
– Biện pháp xử lý trong trường hợp số tiền bảo đảm thực hiện dự án chưa được hoàn trả được nộp vào ngân sách nhà nước;
– Các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm khác của các bên;
– Những nội dung khác theo thỏa thuận giữa các bên nhưng không được trái với quy định của pháp luật.
>>xem thêm: Quy định về ký quỹ để đảm bảo thực hiện dự án
Trên đây là nội dung bài viết Các trường hợp phải ký quỹ trong đầu tư Nếu có thắc mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ Lawkey để được giải đáp chi tiết.
Ưu đãi về đất cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp
Pháp luật quy định nhiều ngành nghề được hưởng ưu đãi đầu tư, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp. Dưới đây là một [...]
Thời gian giải quyết hưởng chế độ tử tuất cho người lao động năm 2025
Thời gian giải quyết hưởng chế độ tử tuất cho người lao động theo quy định pháp luật từ ngày 01/7/2025 là bao lâu? Hãy [...]