Các yếu tố lí lịch của pháp nhân theo quy định của Bộ luật dân sự 2015
Pháp nhân là một chủ thể pháp luật có tư cách pháp lý độc lập, có thể tham gia vào các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội… theo quy định của pháp luật. Vậy các yếu tố lí lịch của pháp nhân gồm những nội dung gì?
Các yếu tố lí lịch của pháp nhân là gì?
Các yếu tố lí lịch của pháp nhân là tổng hợp các sự kiện pháp lí để cá biệt hóa pháp nhân với các pháp nhân khác khi tham gia vào các quan hệ pháp luật. Những yếu tố về lí lịch của pháp nhân được xác định trong điều lệ của pháp nhân hay quyết định thành lập pháp nhân.
Điều lệ của pháp nhân
Pháp nhân phải có điều lệ trong trường hợp pháp luật có quy định.
Điều lệ của pháp nhân có những nội dung chủ yếu sau đây:
– Tên gọi của pháp nhân;
– Mục đích và phạm vi hoạt động của pháp nhân;
– Trụ sở chính; chi nhánh, văn phòng đại diện, nếu có;
– Vốn điều lệ, nếu có;
– Đại diện theo pháp luật của pháp nhân;
– Cơ cấu tổ chức; thể thức cử, bầu, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, nhiệm vụ và quyền hạn của các chức danh của cơ quan điều hành và các cơ quan khác;
– Điều kiện trở thành thành viên hoặc không còn là thành viên của pháp nhân, nếu là pháp nhân có thành viên;
– Quyền, nghĩa vụ của các thành viên, nếu là pháp nhân có thành viên;
– Thể thức thông qua quyết định của pháp nhân; nguyên tắc giải quyết tranh chấp nội bộ;
– Thể thức sửa đổi, bổ sung điều lệ;
– Ðiều kiện hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, chuyển đổi hình thức, giải thể pháp nhân.
Quốc tịch của pháp nhân
Là mối liên hệ pháp lí giữa pháp nhân với Nhà nước, mỗi pháp nhân có quốc tịch riêng.
Điều 80 Bộ luật dân sự 2015 quy định “Pháp nhân được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam là pháp nhân Việt Nam”. Việc xác định quốc tịch của pháp nhân có ý nghĩa trong việc xác định pháp luật chi phối các hoạt động của pháp nhân đó.
Cơ quan điều hành của pháp nhân
Là tổ chức đầu não của pháp nhân điều hành mọi hoạt động bên trong cũng như tham gia vào hoạt động bên ngoài của pháp nhân. Tổ chức và nhiệm vụ của cơ quan điều hành tuỳ thuộc vào loại hình pháp nhân được quy định trong điều lệ của pháp nhân hoặc trong quyết định thành lập pháp nhân (cơ quan cao nhất của pháp nhân, người đại diện đương nhiên là người đứng đầu pháp nhân trừ trường hợp điều lệ của pháp nhân có quy định khác).
Trụ sở của pháp nhân
Là nơi đặt cơ quan điều hành của pháp nhân, nơi tập trung các hoạt động chính của pháp nhân, nơi thực hiện các quyền và nghĩa vụ của pháp nhân, nơi tống đạt các giấy tờ giao dịch với pháp nhân, là nơi toà án có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp của pháp nhân. Trường hợp thay đổi trụ sở thì pháp nhân phải công bố công khai
Địa chỉ liên lạc của pháp nhân là địa chỉ trụ sở của pháp nhân. Pháp nhân có thể chọn nơi khác làm địa chỉ liên lạc.
Chi nhánh, văn phòng đại diện của pháp nhân
Ngoài trụ sở chính, pháp nhân có thể có các văn phòng đại diện của pháp nhân, các chi nhánh của pháp nhân. Văn phòng đại diện và chi nhánh của pháp nhân là những đơn vị phụ thuộc của pháp nhân, không phải là pháp nhân.
Chi nhánh có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của pháp nhân. Ngoài ra chi nhánh có thể thực hiện các hành vi đại diện theo uỷ quyền của pháp nhân.
Văn phòng đại diện có nhiệm vụ đại diện trong phạm vi do pháp nhân giao, bảo vệ lợi ích của pháp nhân. Văn phòng đại diện của pháp nhân thực hiện nhiệm vụ theo đại diện uỷ quyền cho lợi ích của pháp nhân và bảo vệ các lợi ích đó. Văn phòng đại diện không thực hiện các hành vi sản xuất kinh doanh.
Việc thành lập, chấm dứt chi nhánh, văn phòng đại diện của pháp nhân phải được đăng ký theo quy định của pháp luật và công bố công khai.
Người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của pháp nhân trong phạm vi và thời hạn được ủy quyền. Hành vi của họ được coi là hành vi của pháp nhân khi xác lập và thực hiện các giao dịch dân sự.
Pháp nhân có quyền, nghĩa vụ dân sự phát sinh từ giao dịch dân sự do chi nhánh, văn phòng đại diện xác lập, thực hiện.
Tên gọi của pháp nhân
Mỗi pháp nhân hoạt động với một tên gọi nhất định để cá thể hóa pháp nhân với các pháp nhân khác trong cùng một lĩnh vực hoạt động. Tên của pháp nhân có thể kèm theo tên cơ quan quản lí cấp trên của pháp nhân như Bộ Tư pháp – Trường Đại học Luật Hà Nội.
Ngoài tên gọi của pháp nhân còn có những dấu hiệu khác như nhãn hiệu hàng hóa, dịch vụ, biểu tượng (logo) của pháp nhân trên các giấy tờ giao dịch, trong các quảng cáo cho sản phẩm cũng như dịch vụ. Tên gọi và những dấu hiệu của pháp nhân phải được đăng kí tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định và được Nhà nước bảo hộ. Không một chủ thể nào khác được sử dụng những dấu hiệu riêng của một pháp nhân để hoạt động.
Điều 78 Bộ luật dân sự 2015 quy định:
– Pháp nhân phải có tên gọi bằng tiếng Việt.
– Tên gọi của pháp nhân phải thể hiện rõ loại hình tổ chức của pháp nhân và phân biệt với các pháp nhân khác trong cùng một lĩnh vực hoạt động.
Ví dụ: Công ti Bia Hà Nội (HABECO), Trường Đại học Luật Hà Nội, Tổng công ti giấy Việt Nam -Vietnam Paper Corporation (viết tắt là Vinapimex)
– Pháp nhân phải sử dụng tên gọi của mình trong giao dịch dân sự. Tên gọi của pháp nhân là tên chính thức khi tham gia giao dịch.
– Tên gọi của pháp nhân được pháp luật công nhận và bảo vệ.
Trên đây là nội dung Các yếu tố lí lịch của pháp nhân theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 Lawkey gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Lawkey để được tư vấn.
Xem thêm: Phân tích các điều kiện của pháp nhân theo quy định của pháp luật
Một số biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác
Pháp luật dân sự quy định tại Điều 292 có 9 Biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Cùng tìm hiểu Một số biện pháp [...]
Visa là gì? Thủ tục xin visa theo quy định của pháp luật hiện hành
Nếu xuất cảnh nhiều hẳn bạn đã nghe tới thuật ngữ visa. Vậy visa là gì? Thủ tục cấp visa cho người muốn đi nước [...]