Căn cứ chỉ định Quản tài viên năm 2024
Quản tài viên là gì? Điều kiện hành nghề của Quản tài viên? Căn cứ chỉ định Quản tài viên theo quy định pháp luật hiện hành? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Quản tài viên là gì?
Theo khoản 7 Điều 4 Luật Phá sản 2014 quy định: Quản tài viên là cá nhân hành nghề quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán trong quá trình giải quyết phá sản.
Điều kiện hành nghề Quản tài viên
Tại Điều 12 Luật Phá sản 2014 quy định về điều kiện hành nghề Quản tài viên như sau:
♦ Những người sau đây được cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên:
- Luật sư;
- Kiểm toán viên;
- Người có trình độ cử nhân luật, kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng và có kinh nghiệm 05 năm trở lên về lĩnh vực được đào tạo.
♦ Điều kiện được hành nghề Quản tài viên:
- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
- Có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, khách quan;
- Có chứng chỉ hành nghề Quản tài viên.
Quyền và nghĩa vụ của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản
Tại Điều 16 Luật Phá sản 2014 quy định về quyền và nghĩa vụ của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản như sau:
♦ Quản lý tài sản, giám sát hoạt động kinh doanh, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán, gồm:
- Xác minh, thu thập, quản lý tài liệu, chứng cứ liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã;
- Lập bảng kê tài sản, danh sách chủ nợ, danh sách người mắc nợ;
- Bảo quản tài sản; ngăn chặn việc bán, chuyển giao tài sản mà không được phép của Thẩm phán; ngăn chặn việc tẩu tán tài sản; tối đa hóa giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã khi bán, thanh lý tài sản;
- Giám sát hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã theo quy định của pháp luật;
- Được thuê cá nhân, tổ chức thực hiện công việc theo quy định của pháp luật;
- Đề xuất với Thẩm phán về việc bán tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã để bảo đảm chi phí phá sản;
- Bán tài sản theo quyết định của Thẩm phán để bảo đảm chi phí phá sản;
- Tổ chức việc định giá, thanh lý tài sản theo quy định của Luật Phá sản 2014; báo cáo cơ quan thi hành án dân sự, thông báo đến người tham gia thủ tục phá sản có liên quan về việc giao cho cá nhân, tổ chức thực hiện thanh lý tài sản;
- Gửi các khoản tiền thu được vào tài khoản do Tòa án nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền mở tại ngân hàng.
♦ Đại diện cho doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã không có người đại diện theo pháp luật.
♦ Báo cáo về tình trạng tài sản, công nợ và hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã, tham gia xây dựng kế hoạch phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.
♦ Đề nghị Thẩm phán tiến hành các công việc sau:
- Thu thập tài liệu, chứng cứ;
- Tuyên bố giao dịch vô hiệu và quyết định thu hồi tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã bị bán hoặc chuyển giao bất hợp pháp;
- Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; áp dụng biện pháp xử phạt hành chính; chuyển hồ sơ sang cơ quan có thẩm quyền xử lý về hình sự theo quy định của pháp luật.
♦ Được hưởng thù lao và thực hiện trách nhiệm bảo hiểm nghề nghiệp theo quy định của pháp luật.
♦ Báo cáo việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo yêu cầu của Thẩm phán, cơ quan thi hành án dân sự; chịu trách nhiệm trước Thẩm phán, cơ quan thi hành án dân sự và pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Căn cứ chỉ định Quản tài viên năm 2024
Theo khoản 2 Điều 45 Luật Phá sản 2014 thì căn cứ chỉ định Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản như sau:
- Cá nhân có chứng chỉ hành nghề Quản tài viên; doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản;
- Đề xuất chỉ định Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản của người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản;
- Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản không có lợi ích liên quan đến vụ việc phá sản;
- Tính chất của việc giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản;
- Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản không phải là người thân thích của người tham gia thủ tục phá sản.
Các trường hợp thu hồi chứng chỉ hành nghề Quản tài viên
Tại khoản 1 Điều 15 Luật Phá sản 2014 thì người đã được cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên mà thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị thu hồi chứng chỉ hành nghề Quản tài viên:
- Là cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân;
- Bị kết án và bản án đã có hiệu lực pháp luật;
- Bị thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư, kiểm toán viên;
- Bị thay đổi theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 46 Luật Phá sản 2014 trong hai vụ việc phá sản trở lên.
>>Xem thêm: Thù lao của Quản tài viên trong quản lý, thanh lý tài sản
Trên đây là bài viết tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vấn đề gì thắc mắc, vui lòng liên hệ LawKey hoặc có thể sử dụng dịch vụ Luật sư tư vấn của chúng tôi.
Rẽ phải khi đèn đỏ bị xử phạt như thế nào?
Rẽ phải khi đèn đỏ bị xử phạt như thế nào? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới đây. Mức phạt lỗi rẽ phải [...]
Tuyển dụng viên chức theo quy định của pháp luật
Viên chức được hiểu là gì? Cá nhân cần đáp ứng những điều kiện gì để có thể dự tuyển thi viên chức? Hãy cùng [...]