Chế độ thai sản của lao động nữ khi sinh con
Chế độ thai sản của lao động nữ khi sinh con
Theo quy định tại Điều 31 Luật bảo hiểm xã hội 2014, lao động nữ sinh con được hưởng chế độ thai sản khi đáp ứng đủ điều kiện: đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con. Đối với lao động nữ đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đáp ứng điều kiện đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con. Chế độ thai sản của lao động nữ khi sinh con bao gồm:
1. Về thời gian được nghỉ hưởng chế độ khi sinh con:
– Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng.
Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng. Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.
Điều 10 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH có hướng dẫn chi tiết hơn về nội dung này: Đối với lao động nữ đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên và đóng đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh mà thai chết lưu thì ngoài chế độ thai sản đối với thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước khi sinh, lao động nữ được nghỉ việc hưởng chế độ về thời gian hưởng chế độ thai chết lưu quy định tại Điều 33 của Luật bảo hiểm xã hội tính từ thời điểm thai chết lưu.
Xem thêm: Điều kiện hưởng chế độ thai sản của lao động nữ tại doanh nghiệp
Ví dụ:
Chị C liên tục tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được 3 năm, mang thai đến tháng thứ 8 thì nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước khi sinh, một tháng sau khi nghỉ việc thì thai bị chết lưu. Như vậy, chị C ngoài việc được hưởng chế độ thai sản cho đến khi thai chết lưu, còn được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền nhưng tối đa không quá 50 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
– Trường hợp sau khi sinh con, nếu con dưới 02 tháng tuổi bị chết thì mẹ được nghỉ việc 04 tháng tính từ ngày sinh con; nếu con từ 02 tháng tuổi trở lên bị chết thì mẹ được nghỉ việc 02 tháng tính từ ngày con chết, nhưng thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản không vượt quá thời gian 06 tháng. Thời gian này không tính vào thời gian nghỉ việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động.
– Thời gian hưởng chế độ thai sản quy định ở các trường hợp trên tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
Lao động nữ nghỉ hưởng chế độ thai sản cần lưu ý về khoảng thời gian này trong việc tính thời gian đóng bảo hiểm xã hội như sau:
– Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội, người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội.
– Trường hợp hợp đồng lao động hết thời hạn trong thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản thì thời gian hưởng chế độ thai sản từ khi nghỉ việc đến khi hợp đồng lao động hết thời hạn được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội, thời gian hưởng chế độ thai sản sau khi hợp đồng lao động hết thời hạn không được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.
– Thời gian hưởng chế độ thai sản của người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con không được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.
– Trường hợp lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con theo quy định thì thời gian hưởng chế độ thai sản từ khi nghỉ việc đến khi đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội, kể từ thời điểm đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con thì lao động nữ vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi hết thời hạn quy định nhưng người lao động và người sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
2. Về mức hưởng chế độ thai sản
Lao động nữ sinh con hưởng chế độ thai sản với mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng liền kề gần nhất trước khi nghỉ việc. Nếu thời gian đóng bảo hiểm xã hội không liên tục thì được cộng dồn.
Trường hợp lao động nữ đi làm cho đến thời điểm sinh con mà tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi thì mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc, bao gồm cả tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.
Ví dụ 1:
Chị C sinh con vào ngày 16/3/2016, có quá trình đóng bảo hiểm xã hội như sau:
– Từ tháng 10/2015 đến tháng 01/2016 (4 tháng) đóng bảo hiểm xã hội với mức lương 5.000.000 đồng/tháng;
– Từ tháng 02/2016 đến tháng 3/2016 (2 tháng) đóng bảo hiểm xã hội với mức lương 6.500.000 đồng/tháng.
Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng liền kề trước khi nghỉ việc của chị C được tính bằng tổng 4 tháng với mức lương 5.000.000 đồng/tháng cộng với 2 tháng với mức lương 6.500.000 đồng/tháng chi cho 06 tháng ra mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc để làm cơ sở tính hưởng chế độ thai sản của chị C là 5.500.000 đồng/tháng.
Ví dụ 2:
Chị D sinh con ngày 13/5/2017 (thuộc trường hợp khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền), có quá trình đóng bảo hiểm xã hội như sau:
– Từ tháng 5/2014 đến tháng 4/2016 (24 tháng) đóng bảo hiểm xã hội với mức lương 8.500.000 đồng/tháng;
– Từ tháng 5/2016 đến tháng 8/2016 (4 tháng) đóng bảo hiểm xã hội với mức lương 7.000.000 đồng/tháng;
– Từ tháng 9/2016 đến tháng 4/2017 (8 tháng), nghỉ dưỡng thai, không đóng bảo hiểm xã hội.
Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc của chị D được tính bằng mức tiền lương bình quân của tháng 3 đến hết tháng 8/2016 = 7.500.000 đồng/tháng.
3. Lao động nữ sinh con còn được hưởng là khoản trợ cấp một lần khi sinh con theo điều 38 Luật bảo hiểm xã hội 2014.
Mức trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con.
Căn cứ theo Nghị định 72/2018/NĐ-CP mức lương cơ sở là 1.390.000 đồng/tháng từ ngày 1/7/2018, lao động nữ sinh con được hưởng khoảng 2.780.000 đồng.
Xem thêm: Những quyền lợi chỉ áp dụng với lao động nữ
Những ưu đãi Lao động nữ mang thai được hưởng trong môi trường làm việc
Trên đây là nội dung tư vấn về Chế độ thai sản của lao động nữ khi sinh con do LawKey tổng hợp trên cơ sở các quy định của pháp luật tại thời điểm soạn thảo. LawKey cảm ơn quý khách hàng đã sử dụng dịch vụ
Kê biên tài sản của người phải thi hành án dân sự theo quy định
Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án là một biện pháp cưỡng chế thi hành án được quy định tại Khoản [...]
Hồ sơ hưởng chế độ tử tuất một lần theo quy định pháp luật
LawKey xin gửi tới bạn đọc những điều cần biết về hồ sơ đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ tử [...]