Có phải đóng bảo hiểm khi đi làm lại trước thời hạn nghỉ sinh con
CÓ PHẢI ĐÓNG BẢO HIỂM KHI ĐI LÀM LẠI TRƯỚC THỜI HẠN NGHỈ SINH CON
Tóm tắt câu hỏi:
Chào Luật sư, tôi sinh con vào đầu tháng 3/2017. Tôi nghỉ việc ở nhà dưỡng sức và chăm con nhỏ theo chế độ thai sản từ đó đến nay. Hiện nay, tôi đang muốn đi làm lại mà không muốn đợi hết thời gian 06 tháng theo quy định. Tôi được hưởng chế độ như thế nào, có phải đóng BHXH không?
Luật sư tư vấn:
Công ty TNHH Tư vấn LawKey Việt Nam cảm ơn chị đã tin tưởng khi gửi câu hỏi đến LawKey. Với thắc mắc của anh/chị, luật sư LawKey tư vấn như sau:
Về quyền đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ thai sản:
Theo quy định của Bộ luật lao động 2012 và Luật BHXH 2014, trước khi hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định, nếu có nhu cầu, có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe của người lao động và được người sử dụng lao động đồng ý, lao động nữ có thể trở lại làm việc khi đã nghỉ ít nhất được 04 tháng.
Trong trường hợp này, ngoài tiền lương của những ngày làm việc do người sử dụng lao động trả, lao động nữ vẫn tiếp tục được hưởng trợ cấp thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Về thời gian nghỉ chế độ thai sản được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 39 Luật BHXH 2014: Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội, người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội.
Về vấn đề này, điểm c, khoản 2, Điều 12, Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn như sau: Trường hợp lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con theo quy định thì thời gian hưởng chế độ thai sản từ khi nghỉ việc đến khi đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội, kể từ thời điểm đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con thì lao động nữ vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi hết thời hạn quy định tại khoản 1 hoặc khoản 3 Điều 34 của Luật bảo hiểm xã hội nhưng người lao động và người sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Đối chiếu với trường hợp của chị:
Về quyền đi làm trước thời hạn:
Chị có thể đi làm trước khi hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định sau 04 tháng nghỉ thai sản nếu đáp ứng điều kiện về sức khỏe và được người sử dụng lao động đồng ý.
Về chế độ lao động: Khi đi làm trước thời hạn nghỉ thai sản, chị vẫn tiếp tục được hưởng trợ cấp thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và được hưởng tiền lương của những ngày làm việc do người sử dụng lao động trả.
Về việc đóng bảo hiểm xã hội:
– Thời gian hưởng chế độ thai sản từ khi nghỉ việc (tháng 3/2017) đến khi đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội;
– Kể từ thời điểm đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con thì chị và người sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên cơ sở tiền lương của những ngày làm việc.
– Đối với tháng đầu tiên chị bắt đầu đi làm lại (vẫn trong khoảng thời gian trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con) mà thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên thì tháng đó vẫn được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ thai sản, chị và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội.
Trên đây là nội dung giải đáp về việc phải đóng bảo hiểm xã hội đối với trường hợp lao động đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh LawKey gửi đến bạn đọc.
Giấy phép chứng thực chữ ký số công cộng là gì?
Tổ chức cung cấp dịch vụ chữ ký số công cộng cần phải được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp cấp giấy phép cung [...]
Hồ sơ đề nghị vay vốn của tổ chức tín dụng hiện nay
Để được cấp tín dụng, khách hàng cần chuẩn bị hồ sơ đề nghị vay vốn của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng [...]