Quy định pháp luật hiện hành về đại diện cho con
Ai là người đại diện cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự? Pháp luật quy định như thế nào về đại diện cho con? Bài viết dưới đây LawKey sẽ làm rõ nội dung này.
Đại diện là gì?
Theo Điều 134 Bộ luật dân sự 2015, Đại diện là việc cá nhân, pháp nhân (sau đây gọi chung là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác (sau đây gọi chung là người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.
Quyền đại diện được xác lập theo ủy quyền giữa người được đại diện và người đại diện (sau đây gọi là đại diện theo ủy quyền); theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, theo điều lệ của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là đại diện theo pháp luật).
Quy định về đại diện cho con
Theo Điều 73 Luật hôn nhân và gia đình 2014, người đại diện của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự được quy định cụ thể như sau:
+ Cha mẹ là người đại diện theo pháp luật của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự, trừ trường hợp con có người khác làm giám hộ hoặc có người khác đại diện theo pháp luật.
+ Cha hoặc mẹ có quyền tự mình thực hiện giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
+ Đối với giao dịch liên quan đến tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng, tài sản đưa vào kinh doanh của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự thì phải có sự thỏa thuận của cha mẹ.
+ Cha, mẹ phải chịu trách nhiệm liên đới về việc thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản của con được quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này và theo quy định của Bộ luật dân sự.
Bồi thường thiệt hại do con gây ra
Cha mẹ phải bồi thường thiệt hại do con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự gây ra theo quy định của Bộ luật dân sự. Theo quy định tại khoản 2 Điều 586 Bộ luật dân sự 2015, cha mẹ phải bồi thường thiệt hại cho con như sau:
+ Người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp gây ra thiệt hại trong thời gian trường học, bệnh viện, pháp nhân khác trực tiếp quản lý.
+ Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.
Trên đây là nội dung bài viết Quy định pháp luật hiện hành về đại diện cho con LawKey gửi tới bạn đọc, nếu có thắc mắc liên hệ LawKey để được giải đáp.
Quy định về tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân
Trước khi kết hôn, chồng em có mua nhà trả góp đứng tên chồng em, đã thanh toán được 1 nửa. Trong vòng 2 năm kết hôn em và chồng [...]
Căn cứ, thủ tục đơn phương ly hôn theo quy định pháp luật
Ly hôn là phương án lựa chọn cuối cùng khi những mâu thuẫn giữa vợ chồng trở nên trầm trọng, đời sống chung không thể [...]