Quy định về kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách bằng ô tô theo hợp đồng
Kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách theo hợp đồng là kinh doanh vận tải không theo tuyến cố định và được thực hiện theo hợp đồng vận tải bằng văn bản giữa đơn vị kinh doanh vận tải và người thuê vận tải.
Để kinh doanh vận tải hành khách, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải tuân thủ các quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh quy định tại Nghị định số 86/2014/NĐ-CP về Kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; thông tư số 63/2014/TT-BGTVT Quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ. Cụ thể:
1. Quy định đối với xe ô tô vận tải hành khách theo Hợp đồng
– Niêm yết
Tên và số điện thoại của đơn vị kinh doanh vận tải ở phần đầu mặt ngoài hai bên thân xe hoặc hai bên cánh cửa xe.
Niêm yết ở vị trí lái xe dễ nhận biết khi điều khiển phương tiện khẩu hiệu: “Tính mạng con người là trên hết” theo mẫu quy định tại Phụ lục 10 Thông tư này.
– Số lượng, chất lượng, cách bố trí ghế ngồi trong xe phải đảm bảo đúng theo thiết kế của xe
– Trên xe có trang bị dụng cụ thoát hiểm, bình chữa cháy còn sử dụng được và còn hạn theo quy định
– Có phù hiệu “XE HỢP ĐỒNG” theo mẫu quy định tại Phụ lục 21 của Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT
– Niên hạn sử dụng
Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng có niên hạn sử dụng như sau:
+ Cự ly trên 300 ki lô mét: Không quá 15 năm đối với ô tô sản xuất để chở người; từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 không được sử dụng xe ô tô chuyển đổi công năng;
+ Cự ly từ 300 ki lô mét trở xuống: Không quá 20 năm đối với xe ô tô sản xuất để chở người; không quá 17 năm đối với ô tô chuyển đổi công năng trước ngày 01 tháng 01 năm 2002 từ các loại xe khác thành xe ô tô chở khách.
– Số lượng xe
Từ ngày 01 tháng 01 năm 2017, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, đơn vị kinh doanh vận tải khách du lịch vận chuyển hành khách trên hành trình có cự ly từ 300 ki lô mét trở lên phải có số lượng xe tối thiểu như sau:
+ Đối với đơn vị có trụ sở đặt tại các thành phố trực thuộc Trung ương: Từ 10 xe trở lên;
+ Đối với đơn vị có trụ sở đặt tại các địa phương còn lại: Từ 05 xe trở lên, riêng đơn vị có trụ sở đặt tại huyện nghèo theo quy định của Chính phủ: Từ 03 xe trở lên.
2.Tổ chức và quản lý hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng
– Các đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách theo hợp đồng và lái xe chỉ được đón, trả khách tại các địa điểm đã ghi trong hợp đồng và thu cước vận tải theo giá trị hợp đồng đã ký kết; không được bán vé, thu tiền, xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức.
– Hợp đồng vận chuyển hành khách được ký kết giữa đơn vị kinh doanh vận tải với tổ chức, cá nhân có nhu cầu thuê cả chuyến xe. Đối với mỗi chuyến xe đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được ký kết 01 hợp đồng vận chuyển khách.
Hợp đồng vận chuyển hành khách phải có các nội dung cơ bản sau: Thời gian thực hiện hợp đồng; địa chỉ nơi đi, nơi đến; hành trình chạy xe chiều đi và chiều về (trong đó ghi rõ điểm khởi hành, lộ trình, các điểm đón, trả khách trên cả hai chiều, điểm kết thúc hành trình); số lượng hành khách; giá trị hợp đồng; các quyền lợi của hành khách và các dịch vụ phục vụ hành khách trên hành trình.
Đối với hợp đồng vận chuyển học sinh, sinh viên đi học hoặc cán bộ, công nhân viên đi làm phải ghi rõ thời gian từng chuyến xe theo ngày, giờ trong tuần.
– Từ ngày 01 tháng 07 năm 2015, khi sử dụng xe ô tô có trọng tải thiết kế từ 10 hành khách trở lên để thực hiện hợp đồng vận chuyển thì trước khi thực hiện hợp đồng, đơn vị kinh doanh vận tải phải thông báo tới Sở Giao thông vận tải nơi cấp Giấy phép kinh doanh vận tải các thông tin: hành trình (điểm khởi hành, lộ trình, điểm đón, trả khách, điểm kết thúc hành trình), thời gian thực hiện hợp đồng và số lượng khách bằng văn bản hoặc qua thư điện tử (Email), Trang thông tin điện tử, phần mềm quản lý vận tải của Sở Giao thông vận tải theo mẫu quy định tại Phụ lục 34 của Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT. Cự ly của hành trình được xác định từ điểm khởi hành đến điểm kết thúc của chuyến đi.
Riêng đối với các đơn vị kinh doanh vận tải hợp đồng đưa đón học sinh, sinh viên đi học hoặc cán bộ, công nhân viên đi làm theo tuyến cố định, thực hiện thông báo một lần trước khi thực hiện hợp đồng hoặc khi có sự thay đổi về tuyến đường, thời gian vận chuyển và các điểm dừng, đỗ của xe ô tô.
– Khi vận chuyển hành khách theo hợp đồng, lái xe phải mang theo hợp đồng vận chuyển và danh sách hành khách theo mẫu quy định tại Phụ lục 22 của Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT (không áp dụng nội dung quy định tại khoản này đối với xe phục vụ lễ cưới, hỏi, tang lễ, xe phục vụ nhiệm vụ an ninh, quốc phòng).
3. Phải đáp ứng điều kiện chung kinh doanh vận tải bằng xe ô tô
Đơn vị kinh doanh vận tải phải có đủ các điều kiện sau đây:
– Đăng ký kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định của pháp luật
Phải Đăng ký thành lập doanh nghiệp – công ty, đăng ký thành lập hộ kinh doanh.
– Phương tiện phải bảo đảm số lượng, chất lượng phù hợp với hình thức kinh doanh
+ Khi hoạt động kinh doanh vận tải phải có đủ số lượng phương tiện theo phương án kinh doanh đã được duyệt; phương tiện phải thuộc quyền sở hữu của đơn vị kinh doanh vận tải hoặc quyền sử dụng hợp pháp theo hợp đồng của đơn vị kinh doanh vận tải với tổ chức cho thuê tài chính hoặc tổ chức, cá nhân có chức năng cho thuê tài sản theo quy định của pháp luật.
Trường hợp xe đăng ký thuộc sở hữu của thành viên hợp tác xã phải có hợp đồng dịch vụ giữa thành viên với hợp tác xã, trong đó quy định hợp tác xã có quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ quản lý, sử dụng, điều hành xe ô tô thuộc sở hữu của thành viên hợp tác xã;
+ Xe ô tô phải bảo đảm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường;
+ Xe phải được gắn thiết bị giám sát hành trình theo quy định tại Điều 14 Nghị định 86/2014/NĐ-CP.
– Lái xe và nhân viên phục vụ trên xe
+ Lái xe không phải là người đang trong thời gian bị cấm hành nghề theo quy định của pháp luật.
+ Lái xe và nhân viên phục vụ trên xe phải có hợp đồng lao động bằng văn bản với đơn vị kinh doanh vận tải theo mẫu của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (trừ các trường hợp đồng thời là chủ hộ kinh doanh hoặc là bố, mẹ, vợ, chồng hoặc con của chủ hộ kinh doanh).
+ Nhân viên phục vụ trên xe phải được tập huấn về nghiệp vụ và các quy định của pháp luật đối với hoạt động vận tải theo quy định của Bộ Giao thông vận tải. Nhân viên phục vụ trên xe vận tải khách du lịch còn phải được tập huấn về nghiệp vụ du lịch theo quy định của pháp luật liên quan về du lịch.
– Người điều hành vận tải
Phải có trình độ chuyên môn về vận tải từ trung cấp trở lên hoặc có trình độ từ cao đẳng trở lên đối với các chuyên ngành kinh tế, kỹ thuật khác và có thời gian công tác liên tục tại đơn vị vận tải từ 03 năm trở lên
– Nơi đỗ xe
Đơn vị kinh doanh vận tải phải có nơi đỗ xe phù hợp với phương án kinh doanh và đảm bảo các yêu cầu về an toàn giao thông, phòng chống cháy, nổ và vệ sinh môi trường theo quy định của pháp luật.
– Về tổ chức, quản lý
+ Đơn vị kinh doanh vận tải có phương tiện thuộc diện bắt buộc phải gắn thiết bị giám sát hành trình của xe phải trang bị máy tính, đường truyền kết nối mạng và phải theo dõi, xử lý thông tin tiếp nhận từ thiết bị giám sát hành trình của xe;
+ Đơn vị kinh doanh vận tải bố trí đủ số lượng lái xe theo phương án kinh doanh, chịu trách nhiệm tổ chức khám sức khỏe cho lái xe và sử dụng lái xe đủ sức khỏe theo quy định; đối với xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có trọng tải thiết kế từ 30 chỗ ngồi trở lên (bao gồm cả chỗ ngồi, chỗ đứng và giường nằm) phải có nhân viên phục vụ trên xe (trừ xe hợp đồng đưa đón cán bộ, công nhân viên, học sinh, sinh viên đi làm, đi học và xe buýt có thiết bị thay thế nhân viên phục vụ).
Trên đây là một số quy định của pháp luật điều chỉnh đối với dịch vụ kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng LawKey gửi đến bạn đọc.
Quy định về kinh doanh dịch vụ cầm đồ
Quy định về kinh doanh dịch vụ cầm đồ Kinh doanh Dịch vụ cầm đồ là việc thương nhân cho khách hàng vay tiền và nhận [...]
Đình chỉ kinh doanh dịch vụ kiểm toán theo quy định của pháp luật
Trường hợp nào bị đình chỉ kinh doanh dịch vụ kiểm toán theo quy định của pháp luật? Hậu quả pháp lý là gì? Luật kiểm [...]