Thế nào là doanh nghiệp nhà nước
Thế nào là doanh nghiệp nhà nước
Doanh nghiệp nhà nước được định nghĩa tại Điều 1 Luật doanh nghiệp nhà nước (nay đã hết hiệu lực) “là tổ chức kinh tế do Nhà nước sở hữu toàn bộ vốn điều lệ hoặc có cổ phần, vốn góp chi phối, được tổ chức dưới hình thức công ty nhà nước, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn”
Luật doanh nghiệp 2005 thay thế Luật doanh nghiệp nhà nước, đã thay đổi khái niệm về Doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, khoản 22 Điều 4 Luật doanh nghiệp 2005 định nghĩa “Doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp trong đó Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ”. Tại Luật này cũng quy định chậm nhất trong thời hạn bốn năm kể từ ngày Luật doanh nghiệp 2005 có hiệu lực, các công ty nhà nước thành lập theo quy định của Luật doanh nghiệp nhà nước năm 2003 phải chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần. Như vậy, định nghĩa chi tiết hơn về khái niệm Doanh nghiệp nhà nước theo Luật doanh nghiệp 2005 nên được hiểu là doanh nghiệp trong đó nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ, được tổ chức dưới hình thức công ty TNHH hoặc Công ty Cổ phần.
Còn hiện nay, theo Luật doanh nghiệp 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành, Doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Doanh nghiệp nhà nước được cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định tổ chức quản lý dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên theo một trong hai mô hình sau:
– Mô hình 1: Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm soát viên;
– Mô hình 2: Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm soát viên.
Doanh nghiệp là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ gồm: công ty mẹ của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước theo cơ cấu công ty mẹ – công ty con, công ty độc lập không thuộc cơ cấu công ty mẹ – công ty con (sau đây gọi chung là tập đoàn, tổng công ty, công ty) được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập hoặc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi chung là Bộ quản lý ngành), Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) quyết định thành lập.
Như vậy, cùng với việc ban hành các Văn bản pháp luật mới thay thế, điều chỉnh về doanh nghiệp nhà nước, Nhà nước đã thay đổi khái niệm về Doanh nghiệp nhà nước, thu hẹp dần phạm vi đối tượng doanh nghiệp nhà nước. Đây cũng là xu hướng tất yếu của nền kinh tế, chính trị khi nền kinh tế Việt Nam theo Hiến pháp 2013 là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật.
Thủ tục đổi tên Công ty cổ phần
Thủ tục đổi tên Công ty cổ phần Tên của Công ty (Bao gồm cả phần loại hình và tên riêng) là một trong các nội dung [...]
Thủ tục đăng ký hoạt động trở lại trước hạn tạm ngừng của Công ty TNHH 1TV
Thủ tục đăng ký hoạt động trở lại trước hạn tạm ngừng của Công ty TNHH 1TV 1. Khái quát quy định về Thủ tục đăng [...]