Đơn vị kế toán không kiểm kê tài sản có bị xử phạt?
Trường hợp nào đơn vị kế toán phải kiểm kê tài sản? Đơn vị kế toán không kiểm kê tài sản có bị xử phạt? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Trường hợp nào đơn vị kế toán phải kiểm kê tài sản?
Theo Điều 40 Luật Kế toán 2015 quy định kiểm kê tài sản như sau:
Kiểm kê tài sản là việc cân, đong, đo, đếm số lượng; xác nhận và đánh giá chất lượng, giá trị của tài sản, nguồn vốn hiện có tại thời điểm kiểm kê để kiểm tra, đối chiếu với số liệu trong sổ kế toán.
Theo đó, đơn vị kế toán phải kiểm kê tài sản trong các trường hợp sau đây:
- Cuối kỳ kế toán năm;
- Đơn vị kế toán bị chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể, chấm dứt hoạt động, phá sản hoặc bán, cho thuê;
- Đơn vị kế toán được chuyển đổi loại hình hoặc hình thức sở hữu;
- Xảy ra hỏa hoạn, lũ lụt và các thiệt hại bất thường khác;
- Đánh giá lại tài sản theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Sau khi kiểm kê tài sản, đơn vị kế toán phải lập báo cáo tổng hợp kết quả kiểm kê. Trường hợp có chênh lệch giữa số liệu thực tế kiểm kê với số liệu ghi trên sổ kế toán, đơn vị kế toán phải xác định nguyên nhân và phải phản ánh số chênh lệch, kết quả xử lý vào sổ kế toán trước khi lập báo cáo tài chính.
Việc kiểm kê phải phản ánh đúng thực tế tài sản, nguồn hình thành tài sản. Người lập và ký báo cáo tổng hợp kết quả kiểm kê phải chịu trách nhiệm về kết quả kiểm kê.
Không kiểm kê tài sản có bị xử phạt không?
Theo Điều 16 Nghị định 41/2018/NĐ-CP quy định xử phạt hành vi vi phạm quy định về kiểm kê tài sản như sau:
♣ Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
- Không lập Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm kê hoặc báo cáo kết quả kiểm kê không có đầy đủ chữ ký theo quy định;
- Không phản ảnh số chênh lệch và kết quả xử lý số chênh lệch giữa số liệu kiểm kê thực tế với số liệu sổ kế toán.
♣ Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện kiểm kê tài sản theo quy định.
Như vậy, không thực hiện kiểm kê tài sản có thể bị xử phạt từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng.
Lưu ý: Theo khoản 2 Điều 6 Nghị định 41/2018/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 5 Nghị định 102/2021/NĐ-CP thì mức mức phạt tiền được quy định trên đây là mức phạt áp dụng đối với cá nhân vi phạm. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Trách nhiệm của đơn vị kế toán trong trường hợp tài liệu kế toán bị mất hoặc bị hủy hoại
Theo Điều 42 Luật Kế toán 2015 quy định khi phát hiện tài liệu kế toán bị mất hoặc bị hủy hoại, đơn vị kế toán phải thực hiện ngay các công việc sau đây:
- Kiểm tra, xác định và lập biên bản về số lượng, hiện trạng, nguyên nhân tài liệu kế toán bị mất hoặc bị hủy hoại; thông báo cho tổ chức, cá nhân có liên quan và cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Tổ chức phục hồi lại tài liệu kế toán bị hư hỏng;
- Liên hệ với tổ chức, cá nhân có giao dịch tài liệu, số liệu kế toán để được sao chụp hoặc xác nhận lại tài liệu kế toán bị mất hoặc bị hủy hoại;
- Đối với tài liệu kế toán có liên quan đến tài sản nhưng không thể phục hồi bằng các biện pháp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 42 Luật Kế toán 2015 thì phải kiểm kê tài sản để lập lại tài liệu kế toán bị mất hoặc bị hủy hoại.
>>Xem thêm: Ngày hạch toán kế toán thuế là ngày nào?
Trên đây là bài viết tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vấn đề gì thắc mắc, vui lòng liên hệ LawKey hoặc có thể sử dụng dịch vụ Luật sư tư vấn của chúng tôi.
Phương pháp ghi sổ tiền gửi ngân hàng của doanh nghiệp vừa và nhỏ mới nhất
Phương pháp ghi sổ tiền gửi ngân hàng của doanh nghiệp vừa và nhỏ mới nhất Ngày 26 tháng 8 năm 2016, Bộ tài chính ban hành Thông [...]
Không quyết toán thuế TNCN có bị phạt?
Việc kê khai quyết toán thuế TNCN có bắt buộc không? Không quyết toán thuế TNCN có bị phạt hay không? Hãy cùng LawKey tìm [...]