Vấn đề giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích
Vấn đề giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích
Tranh chấp lao động tập thể bao gồm tranh chấp lao động tập thể về quyền và tranh chấp lao động tập thể về lợi ích. Mặc dù cùng là tranh chấp lao động tập thể nhưng việc giải quyết hai loại tranh chấp này không giống nhau (giải quyết tranh chấp sau giai đoạn hòa giải), mỗi loại sẽ được phân cho một cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền nhất định với một nội dung giải quyết cụ thể không giống nhau. Trong bài viết này, Lawkey xin thông tin tới bạn đọc nội dung chi tiết về giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích của Hội đồng trọng tài lao động.
1. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích
Tranh chấp lao động tập thể về lợi ích là tranh chấp lao động phát sinh từ việc tập thể lao động yêu cầu xác lập các điều kiện lao động mới so với quy định của pháp luật về lao động, thoả ước lao động tập thể, nội quy lao động hoặc các quy chế, thoả thuận hợp pháp khác trong quá trình thương lượng giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động (theo khoản 9 Điều 3 Bộ luật lao động 2012)
Tranh chấp lao động tập thể về lợi ích là tranh chấp về những vấn đề chưa được quy định hoặc chưa được thỏa thuận, cam kết trong các hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc dưới hình thức khác. Tranh chấp này thường phát sinh khi có những mâu thuẫn, bất đồng về lợi ích đáng được hưởng khi tập thể lao động yêu cầu người sử dụng lao động nhưng không được chấp nhận.
Khác với tranh chấp lao động tập thể về quyền thường là xung đột về những vấn đề đã có hiệu lực, đã được xác định. Còn tranh chấp lao động tập thể về lợi ích là xung đột về những vấn đề chưa có hiệu lực, từ những yêu cầu của tập thể lao động với người sử dụng lao động. Cùng với hòa giải viên, thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích thuộc Hội đồng trọng tài lao động (theo điểm b khoản 2 Điều 203 Bộ luật lao động 2012)
2. Điều kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích
Để yêu cầu Hội đồng trọng tài giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền, các bên cần giải quyết tranh chấp trước tiên bằng thủ tục hòa giải, nói cách khác, tranh chấp lao động tập thể lao động về lợi ích phải trải qua giai đoạn hòa giải lao động được tiến hành bởi hòa giải viên trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài giải quyết.
Hòa giải lao động là một trong những biện pháp giải quyết tranh chấp lao động, được khoản 1 Điều 201 quy định là thủ tục bắt buộc của các tranh chấp lao động cá nhân trước khi yêu cầu Tòa án giải quyết. Đối với tranh chấp lao động tập thể về lợi ích thì Tòa án không có thẩm quyền để giải quyết, vậy nên sau hòa giải lao động, Hội đồng trọng tài là cơ quan giải quyết sau cùng đối với loại tranh chấp này.
Việc yêu cầu Hội đồng trọng tài giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền xuất phát từ những trường hợp sau:
– Hòa giải viên lao động đã tiến hành hòa giải nhưng không thành (có biên bản hòa giải không thành).
– Hòa giải viên lao động đã hòa giải thành (có biên bản hòa giải thành) mà một trong các bên không thực hiện các thỏa thuận ghi trong biên bản hòa giải thành).
– Đã hết 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn yêu cầu mà không tiến hành hòa giải
3. Nội dung giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích
Nội dung giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích được quy định tại Điều 206 Bộ luật lao động 2012
3.1. Thời hạn giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích
Thời hạn giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích của Hội đồng trọng tài lao động là 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết của các bên trong tranh chấp (Hội đồng trọng tài phải kết thúc việc hòa giải).
3.2. Công việc của Hội đồng trọng tài
– Công việc của Hội đồng trọng tài trong thời gian này cũng tương tự như công việc mà hòa giải viên lao động và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện. Điều cần lưu ý ở đây là khi quyết định một vấn đề cụ thể liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng trọng tài lao động thì phải thảo luận và quyết định theo đa số bằng cách bỏ phiếu kín (ví dụ, khi quyết định phương án hòa giải sẽ đưa ra phiên họp chính thức để các bên tranh chấp xem xét).
– Tại phiên họp của Hội đồng trọng tài lao động phải có đại diện của hai bên tranh chấp. Trường hợp cần thiết, Hội đồng trọng tài lao động mời đại diện cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tới dự phiên họp.
– Nếu các bên có nhu cầu tự thương lượng, Hội đồng trọng tài có trách nhiệm hỗ trợ để các bên tự thương lượng, chỉ khi hai bên không thương lượng được thì Hội đồng trọng tài lao động mới đưa ra phương án hòa giải (mà hội đồng đã chuẩn bị theo nguyên tắc đa số bằng cách bỏ phiếu kín) để hai bên xem xét, quyết định.
– Trong trường hợp hai bên tự thỏa thuận được hoặc chấp nhận phương án hòa giải thì Hội đồng trọng tài lao động lập biên bản hòa giải thành, đồng thời ra quyết định công nhân sự thỏa thuận của các bên. Trường hợp hai bên không thỏa thuận được hoặc một bên tranh chấp đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng thì Hội đồng trọng tài lao động lập biên bản hòa giải không thành.
– Biên bản phải có chữ ký của các bên có mặt, của Chủ tịch và Thư ký Hội đồng trọng tài lao động. Bản sao biên bản hòa giải thành hoặc hòa giải không thành phải được gửi cho hai bên tranh chấp trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản.
– Sau thời hạn 5 ngày, kể từ ngày Hội đồng trọng tài lao động lập biên bản hòa giải thành mà một trong các bên không thực hiện thỏa thuận đã đạt được thì tập thể lao động có quyền tiến hành các thủ tục để đình công.
– Trong trường hợp Hội đồng trọng tài lao động lập biên bản hòa giải không thành thì sau thời hạn 03 ngày, tập thể lao động có quyền tiến hành các thủ tục để đình công.
Trên đây là nội dung Vấn đề giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích Lawkey gửi đến bạn đọc
Phân biệt ngừng việc với tạm hoãn hợp đồng lao động
Chúng ta nghe nhiều tới thuật ngữ ngừng việc với tạm hoãn hợp đồng lao động nhưng không biết chúng khác nhau thế nào. [...]
Xử lý trường hợp doanh nghiệp chậm báo tăng lao động
Những nội dung người sử dụng lao động cần biết về báo tăng lao động để tránh trường hợp doanh nghiệp bị phạt khi chậm [...]