Giải quyết tranh chấp trong hoạt động đầu tư kinh doanh
Trong hoạt động đầu tư kinh doanh khó có thể tránh đươc việc xảy ra các tranh chấp. Vậy việc giải quyết tranh chấp trong hoạt động đầu tư kinh doanh được quy định như thế nào?
Theo quy định tại Điều 14 Luật đầu tư 2020, khi xảy ra tranh chấp trong đầu tư kinh doanh thì các bên giải quyết tranh chấp thông qua các phương thức sau:
Thương lượng
Theo quy định của pháp luật, để giải quyết tranh chấp phát sinh từ đầu tư kinh doanh, các bên có quyền tự thương lượng với nhau về các mẫu thuẫn, xung đột, bất đồng để tiến tới sự dung hòa về mặt lợi ích giữa các bên trên cơ sở cùng nhau bàn bạc, cùng nhau giải quyết.
Phương thức giải quyết này có một số ưu điểm và nhược điểm sau:
Ưu điểm:
Đây là phương thức giải quyết đầu tiên thường được các bên lựa chọn bởi sự thuận tiện, đơn giản, thủ tục linh hoạt của nó. Phương thức này còn đạt được ưu thế khi nó đảm bảo bí mật, uy tín của các bên, tiết kiệm thời gian, kinh phí, không làm phương hại đến mối quan hệ hợp tác hai bên. Trong trường hợp thương lượng không đạt hiệu quả, các bên có thể lựa chọn phương thức giải quyết khác mà không gặp bất cứ cản trở nào.
Nhược điểm:
Tuy vậy, phương thức giải quyết tranh chấp này cũng bộc lộ nhiều nhược điểm mà lớn nhất là sự phụ thuộc vào thiện chí của các bên. Hơn nữa, do bản chất của thương lượng là sự thỏa thuận của các bên trong việc giải quyết tranh chấp phát sinh nên sẽ không có một cơ chế nào đảm bảo tính bắt buộc thi hành.
Hòa giải
Hòa giải là phương thức giải quyết tranh chấp đầu tư kinh doanh, trong đó các bên cùng nhau bàn bạc, thỏa thuận để giải quyết tranh chấp phát sinh có sự hỗ trợ của bên thứ ba. Đó có thể là cá nhân, tổ chức do các bên lựa chọn, bên thứ ba chỉ đóng vai trò trung gian đưa ra ý kiến về việc giải quyết tranh chấp phát sinh giữa các bên, không có quyền phán xét và quyết định cuối cùng vẫn thuộc về các bên tranh chấp.
Phương thức giải quyết này có một số ưu điểm và nhược điểm sau:
Ưu điểm:
Phương pháp giải quyết tranh chấp bằng hòa giải cũng có nhiều ưu điểm như: Các bên có thể chủ động trong việc lựa chọn thời gian, địa điểm hòa giải và bên thứ ba hỗ trợ hòa giải. Hòa giải tạo cơ hội để hai bên ngồi lại, bày tỏ quan điểm của mình về tranh chấp và làm giảm sự căng thẳng giữa các bên ngay cả khi quyền lợi của họ đang bị xâm phạm. Hơn nữa, khi sử dụng phương pháp hòa giải sẽ duy trì được mối quan hệ vốn có của các bên, bí mật kinh doanh vẫn sẽ được bảo vệ.
Nhược điểm:
Tuy nhiên, do hòa giải cũng xuất phát từ sự tự nguyện tham gia và tự do thỏa thuận của các bên nên việc hòa giải có tiến hành được hay không phụ thuộc vào sự nhất trí của các bên. Bên thứ ba là hòa giải viên không có quyền đưa ra quyết định mang tính chất ràng buộc, cưỡng chế thi hành đối với cả hai bên nên các cam kết từ quá trình hòa giải không có giá trị bắt buộc thi hành, hoàn toàn phụ thuộc vào sự thiện chí, tự nguyện của các bên.
Trọng tài hoặc Tòa án
Theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Luật đầu tư 2020, tranh chấp giữa các nhà đầu tư trong nước, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài hoặc giữa nhà đầu tư trong nước, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài với cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam được giải quyết thông qua Trọng tài Việt Nam hoặc Tòa án Việt Nam, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Đối với tranh chấp giữa các nhà đầu tư trong đó có ít nhất một bên là nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế quy định tại khoản 1 Điều 23 của Luật này được giải quyết thông qua một trong những cơ quan, tổ chức sau đây:
– Tòa án Việt Nam;
– Trọng tài Việt Nam;
– Trọng tài nước ngoài;
– Trọng tài quốc tế;
– Trọng tài do các bên tranh chấp thỏa thuận thành lập.
Đối với tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài với cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam được giải quyết thông qua Trọng tài Việt Nam hoặc Tòa án Việt Nam, trừ trường hợp có thỏa thuận khác theo hợp đồng hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.
Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi về “Giải quyết tranh chấp trong hoạt động đầu tư kinh doanh” gửi đến bạn đọc. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào, bạn hãy liên hệ với chúng tôi để được giải đáp.
Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu trong một số trường hợp
Giao dịch dân sự vô hiệu là giao dịch dân sự không có đủ điều kiện có hiệu lực của giao dịch. Vậy pháp luật dân [...]
Ai có quyền kiến nghị khởi tố?
Ai có quyền kiến nghị khởi tố? Cơ quan, tổ chức nào có quyền tiếp nhận kiến nghị khởi tố theo quy định? Hãy cùng LawKey [...]