Hồ sơ cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa
Hồ sơ cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa
Nghị định số 31/2018/NĐ-CP Quy định chi tiết Luật quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa ngày chính thức có hiệu lực tự ngày 08/03/2018. Nghị định này hướng dẫn chi tiết các quy định của pháp luật liên quan đến xuất xứ hàng hóa, bao gồm cả các thủ tục, hồ sơ cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ hướng dẫn chuẩn bị một bộ hồ sơ cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa đối với thương nhân đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa lần đầu hoặc cho sản phẩm mới xuất khẩu lần đầu hoặc cho sản phẩm không cố định.
1. Hồ sơ cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa đối với thương nhân đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa lần đầu hoặc cho sản phẩm mới xuất khẩu lần đầu hoặc cho sản phẩm không cố định.
Theo quy định của pháp luật hiện nay, cụ thể tại khoản 1 Điều 15 Nghị định số 31/2018/NĐ-CP Quy định chi tiết Luật quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa ngày 08/03/2018, đối với thương nhân đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa lần đầu hoặc cho sản phẩm mới xuất khẩu lần đầu hoặc cho sản phẩm không cố định (có thay đổi về định mức số lượng, định mức trọng lượng, mã HS, trị giá và nguồn cung nguyên liệu đối với cả nguyên liệu đầu vào hoặc sản phẩm đầu ra mỗi lần cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa), hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa gồm:
Một là,Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa được kê khai hoàn chỉnh và hợp lệ theo Mẫu số 04 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 31/2018/NĐ-CP Quy định chi tiết Luật quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa ngày 08/03/2018
Hai là,Mẫu Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa tương ứng đã được khai hoàn chỉnh. Để thực hiện việc này một cách chính xác và đồng bộ, Bộ Công thương đã ban hành thông tư số 05/2018/TT-BCT ngày 03/04/2018 quy định về xuất xứ hàng hóa. Trong đó tại Điều 8 của Thông tư này đã hướng dẫn kê khai C/O, cụ thể như sau: “C/O mẫu B của Việt Nam cấp cho hàng hóa xuất khẩu theo mẫu quy định tại Phụ lục XI ban hành kèm theo Thông tư này được kê khai bằng tiếng Anh và đánh máy. Nội dung kê khai C/O mẫu B của Việt Nam cụ thể như sau:
a) Ô số 1: tên giao dịch của người xuất khẩu, địa chỉ, tên nước xuất khẩu
b) Ô số 2: tên người nhận hàng, địa chỉ, tên nước nhập khẩu
c) Ô trên cùng bên phải: số tham chiếu của C/O (dành cho cơ quan, tổ chức được ủy quyền cấp C/O)
d) Ô số 3: ngày khởi hành, tên phương tiện vận tải (nếu gửi bằng đường hàng không thì khai báo “by air”, số hiệu chuyến bay, tên cảng hàng không dỡ hàng; nếu gửi bằng đường biển thì khai báo tên tàu và tên cảng dỡ hàng)
đ) Ô số 4: tên cơ quan, tổ chức được ủy quyền cấp C/O, địa chỉ, tên nước
e) Ô số 5: Mục dành riêng cho cơ quan hải quan tại cảng hoặc địa điểm nhập khẩu
g) Ô số 6: mô tả hàng hóa và mã HS; ký hiệu và số hiệu của kiện hàng
h) Ô số 7: trọng lượng cả bì của hàng hóa hoặc số lượng khác
i) Ô số 8: số và ngày phát hành hóa đơn thương mại
k) Ô số 9: nơi cấp C/O, ngày tháng năm cấp C/O, chữ ký và con dấu của cơ quan, tổ chức cấp C/O
l) Ô số 10: địa điểm, ngày tháng năm đề nghị cấp C/O và chữ ký của người xuất khẩu (dành cho thương nhân đề nghị cấp C/O).”
Ba là:Bản in tờ khai hải quan xuất khẩu. Trường hợp hàng hóa xuất khẩu không phải khai báo hải quan theo quy định của pháp luật không cần nộp bản sao tờ khai hải quan;
Bốn là:Bản sao hóa đơn thương mại (đóng dấu sao y bản chính của thương nhân);
Năm là:Bản sao vận tải đơn hoặc bản sao chứng từ vận tải tương đương (đóng dấu sao y bản chính của thương nhân) trong trường hợp thương nhân không có vận tải đơn. Thương nhân được xem xét không cần nộp chứng từ này trong trường hợp xuất khẩu hàng hóa có hình thức giao hàng không sử dụng vận tải đơn hoặc chứng từ vận tải khác theo quy định của pháp luật hoặc thông lệ quốc tế;
Sáu là:Bảng kê khai chi tiết hàng hóa xuất khẩu đạt tiêu chí xuất xứ ưu đãi hoặc tiêu chí xuất xứ không ưu đãi theo mẫu do Bộ Công Thương quy định. Hiện nay, Bộ Công thương đã hướng dẫn thực hiện công việc này tại khoản 1, 2 và 4 Điều 7 thông tư số 05/2018/TT-BCT ngày 03/04/2018 quy định về xuất xứ hàng hóa.
Bảy là:Bản khai báo xuất xứ của nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp nguyên liệu có xuất xứ hoặc hàng hóa có xuất xứ được sản xuất trong nước theo mẫu do Bộ Công Thương quy định trong trường hợp nguyên liệu đó được sử dụng cho một công đoạn tiếp theo để sản xuất ra một hàng hóa khác. Vấn đề này được thông tư số 05/2018/TT-BCT ngày 03/04/2018 quy định về xuất xứ hàng hóa hướng dẫn tại khoản 3, 4 Điều 7 như sau:
“3. Trường hợp nguyên liệu hoặc hàng hóa có xuất xứ được sản xuất trong nước và sử dụng trong công đoạn tiếp theo để sản xuất ra một hàng hóa khác, thương nhân đề nghị cấp C/O có trách nhiệm yêu cầu nhà sản xuất hay nhà cung cấp nguyên liệu hoặc hàng hóa đó kê khai, cam kết xuất xứ hàng hóa theo mẫu quy định tại Phụ lục X ban hành kèm theo Thông tư này và cung cấp cho thương nhân đề nghị cấp C/O để hoàn thiện hồ sơ cấp C/O theo quy định tại điểm g Khoản 1 Điều 15 Nghị định số 31/2018/NĐ-CP.
4. Các mẫu kê khai, cam kết xuất xứ hàng hóa nêu tại Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều này được đăng tải dưới dạng điện tử trên Hệ thống quản lý và cấp chứng nhận xuất xứ điện tử của Bộ Công Thương tại địa chỉ www.ecosys.gov.vn hoặc trang điện tử khác của các cơ quan, tổ chức cấp C/O được Bộ Công Thương ủy quyền”.
Tám là,Bản sao Quy trình sản xuất hàng hóa (đóng dấu sao y bản chính của thương nhân);
Chín là:Trong trường hợp cần thiết, cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa kiểm tra thực tế tại cơ sở sản xuất của thương nhân theo quy định tại Khoản 1 Điều 28 Nghị định 31/2018/NĐ-CP; hoặc yêu cầu thương nhân đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa nộp bổ sung các chứng từ dưới dạng bản sao (đóng dấu sao y bản chính của thương nhân) như: Tờ khai hải quan nhập khẩu nguyên liệu, phụ liệu dùng để sản xuất ra hàng hóa xuất khẩu (trong trường hợp có sử dụng nguyên liệu, phụ liệu nhập khẩu trong quá trình sản xuất); hợp đồng mua bán hoặc hóa đơn giá trị gia tăng mua bán nguyên liệu, phụ liệu trong nước (trong trường hợp có sử dụng nguyên liệu, phụ liệu mua trong nước trong quá trình sản xuất); giấy phép xuất khẩu (nếu có); chứng từ, tài liệu cần thiết khác.
2.Một số lưu ý khi thực hiện hồ sơ cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
Trong những trường hợp cần thiết, cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa có quyền yêu cầu thương nhân cung cấp bản chính của các chứng từ trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa như đã trình bày ở phần trên để kiểm tra, đối chiếu khi có nghi ngờ tính xác thực của các chứng từ này. Lúc này, thương nhân phải xuất chính các bản chính của những chứng từ có trong bộ hồ sơ để cơ quan có thẩm quyền xem xét, kiểm tra đối chiếu, xác minh tính chính xác của các chứng từ trong hồ sơ.
Ngoài ra, lưu ý rằng, trong trường hợp chưa có bản in tờ khai hải quan xuất khẩu (bản sao tờ khai hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu không phải khai báo hải quan theo quy định của pháp luật); bản sao vận tải đơn hoặc bản sao chứng từ vận tải tương đương (đóng dấu sao y bản chính của thương nhân) trong trường hợp thương nhân không có vận tải đơn. Thương nhân đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa được phép nộp các chứng từ này sau nhưng không quá 15 ngày làm việc kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Sau thời hạn này nếu thương nhân không nộp bổ sung chứng từ, cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa yêu cầu thu hồi hoặc hủy Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa đã cấp.
Trong trường hợp muốn được cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho hàng hóa xuất khẩu gửi kho ngoại quan đến các nước thành viên theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập. Ngoài các chứng từ đã chuẩn bị trong hồ sơ xin cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa như ở mục 1 bên trên, thương nhân nộp thêm các chứng từ sau cho cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa xem xét:
“a) Bản sao tờ khai hàng hóa nhập kho, xuất kho ngoại quan có xác nhận hàng đến cửa khẩu xuất của cơ quan hải quan (đóng dấu sao y bản chính của thương nhân);
b) Bản sao hợp đồng hoặc văn bản có nội dung chỉ định thương nhân Việt Nam giao hàng cho người nhập khẩu ở nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập theo Điều ước quốc tế (đóng dấu sao y bản chính của thương nhân).”
Nếu đáp ứng đủ các điểu kiện trên, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa sẽ cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho hàng hóa xuất khẩu gửi kho ngoại quan đến các nước thành viên theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.
Trên đây là những quy định của pháp luật về hồ sơ cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa Lawkey gửi đến bạn đọc!
Án lệ 04/2016/AL Về xác định ý chí người vợ khi chuyển nhượng nhà đất
Án lệ 04/2016/AL Về xác định ý chí người vợ khi chuyển nhượng nhà đất Ngày 06 tháng 4 năm 2016, Tòa án nhân dân tối [...]
Cách xác định hiệu lực của đăng ký biện pháp bảo đảm
Hiệu lực của các trường hợp đăng ký biện pháp bảo đảm được xác định như thế nào? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài [...]