Quy định pháp luật hiện hành về hòa giải cơ sở
LawKey gửi tới bạn đọc những vấn đề cần biết về hòa giải ở cơ sở là gì, phạm vi hòa giải cơ sở theo quy định pháp luật hiện hành.
Hòa giải ở cơ sở là gì?
Theo khoản 1 Điều 2 Luật hòa giải ở cơ sở năm 2013, Hòa giải ở cơ sở là việc hòa giải viên hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật theo quy định của Luật này.
Cơ sở ở đây được hiểu là thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố và cộng đồng dân cư khác (sau đây gọi chung là thôn, tổ dân phố).
Nguyên tắc tổ chức, hoạt động hòa giải ở cơ sở
Theo Điều 4 Luật hòa giải ở cơ sở năm 2013, Nguyên tắc tổ chức, hoạt động hòa giải ở cơ sở bao gồm các nguyên tắc sau:
– Tôn trọng sự tự nguyện của các bên; không bắt buộc, áp đặt các bên trong hòa giải ở cơ sở.
– Bảo đảm phù hợp với chính sách, pháp luật của Nhà nước, đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp của nhân dân; phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ và cộng đồng dân cư; quan tâm đến quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em, phụ nữ, người khuyết tật và người cao tuổi.
– Khách quan, công bằng, kịp thời, có lý, có tình; giữ bí mật thông tin đời tư của các bên, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 10 của Luật này.
– Tôn trọng ý chí, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác; không xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng.
– Bảo đảm bình đẳng giới trong tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở.
– Không lợi dụng hòa giải ở cơ sở để ngăn cản các bên liên quan bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật hoặc trốn tránh việc xử lý vi phạm hành chính, xử lý về hình sự.
Phạm vi hòa giải ở cơ sở
Theo Điều 5 Nghị định 15/2014/ NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hòa giải ở cơ sở, phạm vi hòa giải cơ sở như sau:
Các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật được tiến hành hòa giải tại cơ sở
Hòa giải ở cơ sở được tiến hành đối với các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật sau đây:
a) Mâu thuẫn giữa các bên (do khác nhau về quan niệm sống, lối sống, tính tình không hợp hoặc mâu thuẫn trong việc sử dụng lối đi qua nhà, lối đi chung, sử dụng điện, nước sinh hoạt, công trình phụ, giờ giấc sinh hoạt, gây mất vệ sinh chung hoặc các lý do khác);
b) Tranh chấp phát sinh từ quan hệ dân sự như tranh chấp về quyền sở hữu, nghĩa vụ dân sự, hợp đồng dân sự, thừa kế, quyền sử dụng đất;
c) Tranh chấp phát sinh từ quan hệ hôn nhân và gia đình như tranh chấp phát sinh từ quan hệ giữa vợ, chồng; quan hệ giữa cha mẹ và con; quan hệ giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu, giữa anh, chị, em và giữa các thành viên khác trong gia đình; cấp dưỡng; xác định cha, mẹ, con; nuôi con nuôi; ly hôn;
d) Vi phạm pháp luật mà theo quy định của pháp luật những việc vi phạm đó chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý vi phạm hành chính;
đ) Vi phạm pháp luật hình sự trong các trường hợp sau đây:
+ Không bị khởi tố vụ án theo quy định tại Điều 107 của Bộ luật tố tụng hình sự và không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;
+ Pháp luật quy định chỉ khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại, nhưng người bị hại không yêu cầu khởi tố theo quy định tại khoản 1 Điều 105 của Bộ luật tố tụng hình sự và không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;
+ Vụ án đã được khởi tố, nhưng sau đó có quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng về đình chỉ điều tra theo quy định tại khoản 2 Điều 164 của Bộ luật tố tụng hình sự hoặc đình chỉ vụ án theo quy định tại khoản 1 Điều 169 của Bộ luật tố tụng hình sự và không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;
e) Vi phạm pháp luật bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định tại Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc có đủ điều kiện để áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Chương II Phần thứ năm của Luật xử lý vi phạm hành chính;
g) Những vụ, việc khác mà pháp luật không cấm.
Các trường hợp không hòa giải cơ sở
a) Mâu thuẫn, tranh chấp xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng;
b) Vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình mà theo quy định của pháp luật phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết, giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội;
c) Vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trừ các trường hợp quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều này;
d) Vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị xử lý vi phạm hành chính, trừ các trường hợp quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều này;
đ) Mâu thuẫn, tranh chấp khác không được hòa giải ở cơ sở quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 3 của Luật hòa giải ở cơ sở, bao gồm:
+ Hòa giải tranh chấp về thương mại được thực hiện theo quy định của Luật thương mại và các văn bản hướng dẫn thi hành;
+ Hòa giải tranh chấp về lao động được thực hiện theo quy định của Bộ luật lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Trên đây là nội dung bài viết Quy định pháp luật hiện hành về hòa giải cơ sở, LawKey gửi tới bạn đọc, nếu có thắc mắc liên hệ LawKey để được giải đáp.
Điều kiện khởi công xây dựng công trình
Điều kiện khởi công xây dựng công trình Công trình xây dựng là sản phẩm được tạo thành bởi sức lao động của con người, [...]
Hoạt động kiểm tra của quản lý thị trường được quy định thế nào?
Thời gian vừa qua, lợi dụng dịch COVID-19, rất nhiều cơ sở kinh doanh tăng giá bán khẩu trang và dung dịch sát khuẩn đã bị [...]