Hợp đồng gia công là gì? theo quy định của pháp luật hiện nay
Hợp đồng gia công là gì? Hợp đồng gia công có những đặc điểm pháp lí đặc trưng gì khác so với các hợp đồng dân sự khác? Cùng Lawkey tìm hiểu nội dung này qua bài viết dưới đây.
1. Hợp đồng gia công là gì?
Điều 542 Bộ luật dân sự 2015 (BLDS) quy định Hợp đồng gia công là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên nhận gia công thực hiện công việc để tạo ra sản phẩm theo yêu cầu của bên đặt gia công, bên đặt gia công nhận sản phẩm và trả tiền công.
Trong hợp đồng gia công, một bên nhận nguyên vật liệu của bên kia để tạo ra một sản phẩm mới. Trong quá trình làm việc, bên nhận gia công phải tự mình tổ chức thực hiện và hoàn thành công việc, giao kết quả cho bên đặt gia công. Bên đặt gia công không kiểm soát quá trình thực hiện nghĩa vụ của bên nhận gia công mà quan tâm đến lợi ích của mình là vật mới được tạo thành có đúng thời gian, số lượng, chất lượng, khuôn mẫu,.. như đã thỏa thuận hay không.
Hợp đồng gia công có những điểm giống và khác so với một số hợp đồng như hợp đồng dịch vụ, lao động,..
– Theo hợp đồng dịch vụ, một bên ( bên nhận làm dịch vụ) bằng công sức của mình để thực hiện một công việc đem lại lợi ích cho bên kia (bên thuê dịch vụ). Đối tượng của hợp đồng dịch vụ là một công việc. Quá trình thực hiện hợp đồng không tạo ra sản phẩm mới mà làm tăng thêm chất lượng của tài sản, khắc phục, sửa chữa tài sản bị hư hỏng hoặc bên làm dịch vụ hoàn thành 1 công việc theo như thỏa thuận. Trong thời gian thực hiện hợp đồng, bên làm dịch vụ tự mình thực hiện công việc và giao lại kết quả công việc đó cho bên thuê dịch vụ. Lợi ích của bên làm dịch vụ là khoản tiền thù lao mà bên thuê dịch vụ phải trả
– Đối với hợp đồng lao động, người lao động phải thực hiện một công việc theo dây chuyền sản xuất hoặc làm khoán theo sản phẩm. Nhưng trong quá trình sản xuất, người lao động phải chấp hành nghiêm chỉnh kỉ luật lao động như các quy định về thời gian, an toàn lao động. Người lao động tham gia vào quá trình sản xuất theo 1 quy trình nhất định. Một sản phẩm hoàn thành là kết quả lao động của tập thể công nhân viên tạo ra, trong đó, mỗi người chỉ thực hiện 1 công đoạn nhất định. Thu nhập của công nhân chủ yếu là tiền lương, ngoài ra công nhân còn có thể nhận được khoản tiền thưởng của doanh nghiệp.
Xem thêm: Chủ thể của hợp đồng dịch vụ theo quy định của pháp luật
2. Đặc điểm pháp lý của hợp đồng gia công
Hợp đồng gia công là hợp đồng song vụ
Bên gia công có quyền yêu cầu bên đặt gia công phải chuyển cho mình vật liệu đạt tiêu chuẩn về chất lượng, chủng loại, tính đồng bộ và số lượng cùng vật mẫu, bản vẽ để chế tạo. Bên gia công yêu cầu bên đặt gia công nhận tài sản mới do chính mình tạo ra và trả tiền công như đã thỏa thuận.
Hợp đồng gia công là hợp đồng có đền bù
Khoản tiền mà bên thuê gia công phải trả cho bên gia công là khoản đền bù. Khoản đền bù này là tiền công do các bên thỏa thuận trong hợp đồng gia công.
Hợp đồng gia công có kết quả được vật thể hóa
Vật được xác định trước theo mẫu, theo 1 tiêu chuẩn do các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định trước. Vật mẫu hay tiêu chuẩn của vật gia công chỉ được hiện thực hóa (vật chất hóa hay trở thành hàng hóa) sau khi bên nhận gia công đã hoàn thành công việc gia công.
Hợp đồng gia công còn có đặc điểm của hợp đồng mua bán tài sản, nếu nguyên vật liệu của bên gia công thì bên đặt gia công phải trả tiền mua vật liệu và tiền gia công hàng hóa từ số lượng, chất lượng của nguyên vật liệu được tạo ra thành phẩm là kết quả của hành vi gia công.
3. Đối tượng của hợp đồng gia công
Đối tượng của hợp đồng gia công là vật được xác định trước theo mẫu, theo tiêu chuẩn mà các bên thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Vật là một loại sản phẩm, hàng hóa do bên thuê gia công đặt theo hợp đồng. Mẫu của vật này có thể do bên thuê gia công chỉ định hoặc do bên gia công đưa ra và bên thuê gia công chấp nhận. Mẫu mà các bên sử dụng không được trái pháp luật và đạo đức xã hội.
Ví dụ: Sản xuất đồ chơi trẻ em, khi sử dụng không được mang tính tuyên truyền bạo lực hoặc hình dáng bên ngoài của hàng hóa phải phù hợp thẩm mĩ của người Việt Nam,…
4. Quyền và nghĩa vụ của bên đặt gia công
Bên đặt gia công có thể là tổ chức hoặc cá nhân có nghĩa vụ cung cấp nguyên vật liệu cho bên nhận gia công.
Nghĩa vụ của bên đặt gia công
Theo quy định tại điều 544 BLDS, bên đặt gia công có nghĩa vụ sau:
– Cung cấp nguyên vật liệu theo đúng số lượng, chất lượng, thời hạn và địa điểm đã thỏa thuận cho bên nhận gia công; cung cấp giấy tờ cần thiết liên quan đến việc gia công. Chất lượng của nguyên vật liệu phụ thuộc vào sự thỏa thuận của các bên. Nếu bên đặt gia công cung cấp nguyên vật liệu chất lượng không đúng như thỏa thuận làm ảnh hưởng đến chất lượng của hàng hóa thì bên nhận gia công không chịu trách nhiệm, nếu gây thiệt hại phải bồi thường.
– Chỉ dẫn cho bên nhận gia công thực hiện hợp đồng.
– Trả tiền công tại thời điểm nhận sản phẩm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp không có thỏa thuận về mức tiền công thì áp dụng mức tiền công trung bình đối với việc tạo ra sản phẩm cùng loại tại địa điểm gia công và vào thời điểm trả tiền.
– Nhận sản phẩm theo đúng thời hạn và tại địa điểm đã thỏa thuận.
– Trường hợp bên đặt gia công chậm nhận sản phẩm thì bên nhận gia công có thể gửi sản phẩm đó tại nơi nhận gửi giữ và phải báo ngay cho bên đặt gia công. Bên đặt gia công phải chịu mọi chi phí phát sinh từ việc gửi giữ.
– Khi bên đặt gia công chậm nhận sản phẩm thì phải chịu rủi ro trong thời gian chậm nhận, kể cả trong trường hợp sản phẩm được tạo ra từ nguyên vật liệu của bên nhận gia công, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Quyền của bên đặt gia công
Theo quy định tại điều 545 BLDS, bên đặt gia công có những quyền sau:
– Yêu cầu bên nhận gia công thực hiện đúng hợp đồng. Trường hợp bên nhận gia công vi phạm nghĩa vụ mà gây thiệt hại, bên đặt gia công có quyền hủy hoặc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng
– Nhận sản phẩm gia công theo đúng số lượng, chất lượng, phương thức, thời hạn và địa điểm đã thỏa thuận. Yêu cầu bên nhận gia công giao vật đúng thời hạn, đúng chất lượng, số lượng,..
– Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại khi bên nhận gia công vi phạm nghiêm trọng hợp đồng.
– Trường hợp sản phẩm không bảo đảm chất lượng mà bên đặt gia công đồng ý nhận sản phẩm và yêu cầu sửa chữa nhưng bên nhận gia công không thể sửa chữa được trong thời hạn thỏa thuận thì bên đặt gia công có quyền hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
– Kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện hợp đồng để đảm bảo chất lượng hàng hóa gia công
5. Quyền và nghĩa vụ của bên nhận gia công
Nghĩa vụ của bên nhận gia công
Điều 546 BLDS quy định bên nhận gia công có nghĩa vụ sau:
– Bảo quản nguyên vật liệu do bên đặt gia công cung cấp. Nếu làm hư hỏng, mất mát thì phải bồi thường.
– Báo cho bên đặt gia công biết để đổi nguyên vật liệu khác, nếu nguyên vật liệu không bảo đảm chất lượng; từ chối thực hiện gia công, nếu biết hoặc phải biết việc sử dụng nguyên vật liệu có thể tạo ra sản phẩm nguy hại cho xã hội.
– Giao sản phẩm cho bên đặt gia công đúng số lượng, chất lượng, phương thức, thời hạn và địa điểm đã thỏa thuận.
– Giữ bí mật thông tin về quy trình gia công và sản phẩm tạo ra.
– Chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, trừ trường hợp sản phẩm không bảo đảm chất lượng do nguyên vật liệu mà bên đặt gia công cung cấp hoặc do sự chỉ dẫn không hợp lý của bên đặt gia công.
– Hoàn trả nguyên vật liệu còn lại cho bên đặt gia công sau khi hoàn thành hợp đồng.
– Giao sản phẩm theo đúng thời hạn và tại địa điểm đã thỏa thuận.
– Chịu thiệt hại về công sức của mình đã bỏ ra thực hiện hợp đồng nếu không may xảy ra rủi ro trong khi thực hiện hợp đồng mà sản phẩm bị hư hỏng. Nếu bên nhận gia công tự mình phải mua nguyên vật liệu thì phải chịu thiệt hại về nguyên vật liệu bị hư hỏng.
Quyền của bên nhận gia công
Pháp luật quy định quyền của bên nhận gia công tại Điều 547 BLDS, cụ thể:
– Yêu cầu bên đặt gia công giao nguyên vật liệu đúng chất lượng, số lượng, thời hạn và địa điểm đã thỏa thuận. Nếu hợp đồng gia công có thỏa thuận về thời hạn bảo hành sản phẩm, trong thời hạn bảo hành, bên nhận gia công có nghĩa vụ sửa chữa, thay thế sản phẩm do mình gia công. Trong khi thực hiện hợp đồng mà phát hiện được chất lượng nguyên vật liệu không đảm bảo có thể gây thiệt hại cho các bên, bên nhận gia công phải thông báo cho bên đặt gia công biết để thay thế nguyên liệu hoặc có quyền hủy hợp đồng nếu bên đặt gia công không thực hiện yêu cầu thay thế nguyên liệu.
– Từ chối sự chỉ dẫn không hợp lý của bên đặt gia công trong quá trình thực hiện hợp đồng, nếu thấy chỉ dẫn đó có thể làm giảm chất lượng sản phẩm, nhưng phải báo ngay cho bên đặt gia công.
– Yêu cầu bên đặt gia công trả đủ tiền công theo đúng thời hạn và phương thức đã thỏa thuận.
Trên đây là nội dung Hợp đồng gia công là gì? theo quy định của pháp luật hiện nay Lawkey gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Lawkey.
Xem thêm: Hợp đồng vận chuyển tài sản là gì? theo quy định của pháp luật
Quyền bề mặt là gì? theo quy định của pháp luật hiện nay
Quyền bề mặt là một quyền thuộc các quyền khác đối với tài sản được pháp luật quy định tại Bộ luật dân sự 2015. [...]
Án lệ số 06/2016/AL Về Người thừa kế ở nước ngoài chưa rõ địa chỉ
Án lệ số 06/2016/AL Về Người thừa kế ở nước ngoài chưa rõ địa chỉ Ngày 06 tháng 4 năm 2016, Tòa án nhân dân tối cao đã [...]