Khái niệm đại diện và phân loại đại diện theo Bộ luật dân sự 2015
Đại diện là việc cá nhân, pháp nhân nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Vậy khái niệm đại diện được hiểu như thế nào? Việc phân loại đại diện trong Bộ luật dân sự được quy định thế nào?
1. Khái niệm đại diện
Theo khoản 1 Điều 134 Bộ luật dân sự 2015 (BLDS): Đại diện là việc cá nhân, pháp nhân (người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác (người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.
Đại diện là một quan hệ pháp luật. Chủ thể của quan hệ đại diện bao gồm người đại diện và người được đại diện. Người đại diện là người nhân danh người được đại diện xác lập quan hệ với người thứ ba, vì lợi ích của người được đại diện. Người được đại diện là người tiếp nhận các hậu quả pháp lý từ quan hệ do người đại diện xác lập, thực hiện đúng thẩm quyền đại diện. Người được đại diện có thể là cá nhân không có năng lực hành vi, chưa đủ năng lực hành vi nên theo quy định của pháp luật, phải có người đại diện trong quan hệ pháp luật. Cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi cổ thể uỷ quyền cho người khác là đai diên theo uỷ quyền của mình.
Các chủ thể khác của quan hệ dân sự là pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác đều hoạt động thông qua hành vi của những người nhất định có thẩm quyền đại diện cho chủ thể đó.
Quan hệ đại diện có thể được xác định theo quy định của pháp luật, có thể được xác định theo ý chí của các chủ thể tham gia, thể hiện bằng giấy uỷ quyền hoăc một hợp đồng uỷ quyền. Trong phạm vi thẩm quyền đại diện, người đại diện xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự, đem lại quyền và nghĩa vụ cho người được đại diện.
2. Phân loại đại diện
Đại diện theo pháp luật
Đại diện theo pháp luật là đại diện được xác lập theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, theo điều lệ của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật (Điều 135 BLDS ).
Đại diện được quy định theo pháp luật chung là đại diện mặc nhiên, ổn định về người đại diện, về thẩm quyền đại diện… Đó là các trường hợp:
– Cha, mẹ đối với con chưa thành niên.
– Người giám hộ đối với người được giám hộ.
Đại diện theo “quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền” được coi là đại diện theo quyết định của cơ quan hành chính trong những quyết định riêng biệt. Đó là các trường hợp:
– Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người đại diện theo pháp luật nếu được Tòa án chỉ định.
– Người do Tòa án chỉ định trong trường hợp không xác định được người đại diện
– Người do Tòa án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Trong một số trường hợp nhất định người đứng đầu pháp nhân có thể được xác định theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Đại diện theo uỷ quyền
Có nhiều lý do khác nhau để cá nhân, người đứng đâu pháp nhân, chủ hộ gia đình… không thể trực tiếp xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Khoản 1 Điều 138 BLDS quy định: Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.
Khác với đại diện theo pháp luật là đại diện do pháp luật quy định hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, đại diện theo uỷ quyền là trường hợp quan hệ đại diện được xác lập theo ý chí của hai bên: Bên đại diện và bên được đại diện, biểu hiện qua một hợp đồng uỷ quyền hoặc một giấy uỷ quyền. Nội dung uỷ quyền, phạm vi thẩm quyền đại diện và trách nhiệm cùa người đại diện theo uỷ quyền được xác định thông qua sự thoả thuận của người đại diện và người được đại diện.
Tuy nhiên, có một số trường hợp pháp luật không cho phép xác lập giao dịch thông qua người đại diện (bất kể đại diện theo pháp luật hay theo uỷ quyền). Ví dụ như lập di chúc,…
Lưu ý: Người đại diện (cả người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo uỷ quyền) là phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Ngoại lệ riêng đối với đại diện theo uỷ quyền thì người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể là người đại diện giao theo uỷ quyền, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Trên đây là nội dung Lawkey gửi đến bạn đọc về khái niệm đại diện. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Lawkey.
Hợp đồng mượn tài sản và hợp đồng thuê tài sản
Hợp đồng mượn tài sản và hợp đồng thuê tài sản được pháp luật dân sự quy định thế nào? Hai loại hợp đồng này [...]
Thời hạn của di chúc
Di chúc được lập ra sẽ có giá trị trong khoảng thời gian là bao lâu? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới đây. [...]