Thủ tục mở viện dưỡng lão tại Việt Nam theo quy định mới nhất
Viện dưỡng lão do cá nhân, tổ chức thành lập được xác định là cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập. Dưới đây là thủ tục mở viện dưỡng lão tại Việt Nam theo quy định mới nhất.
Thủ tục thành lập viện dưỡng lão
Để thành lập viện dưỡng lão tại Việt Nam, tổ chức, cá nhân có nhu cầu phải xin cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập.
Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập
Theo quy định tại Điều 19 Nghị định 103/2017/NĐ-CP, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập viện dưỡng lão thuộc về:
– Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập cơ sở hoạt động trên phạm vi liên tỉnh hoặc liên huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố, có trụ sở chính đặt tại địa phương.
– Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập cơ sở hoạt động trên phạm vi cấp huyện, có trụ sở chính đặt tại địa phương.
Trình tự, thủ tục thành lập viện dưỡng lão
Để thành lập viện dưỡng lão thì tổ chức, cá nhân thực hiện các bước thành lập cụ thể theo các bước theo quy định tại Nghị định 103/2017/NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung một số điều tại Nghị định 140/2018/NĐ-CP. Cụ thể như sau:
Bước 1: Chuẩn bị và nộp hồ sơ
Hồ sơ đăng ký thành lập bao gồm:
– Tờ khai đăng ký thành lập theo Mẫu số 06 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
– Phương án thành lập cơ sở.
– Dự thảo Quy chế hoạt động của cơ sở theo Mẫu số 03b tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
– Bản sao có chứng thực đối với giấy tờ hợp pháp về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở hoặc hợp đồng cho thuê, mượn đất đai, cơ sở vật chất và tài sản gắn liền với đất phục vụ cho hoạt động của cơ sở.
– Phiếu lý lịch tư pháp của các sáng lập viên.
– Bản sao các giấy tờ sau đây:
+ Thẻ căn cước công dân hoặc giấy chứng minh nhân dân. Đối với sáng lập viên là cá nhân nước ngoài, hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của các sáng lập viên;
+ Quyết định thành lập hoặc tài liệu tương đương khác của tổ chức và văn bản ủy quyền; thẻ căn cước công dân hoặc giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu, chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo ủy quyền của tổ chức.
Đối với sáng lập viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao quyết định thành lập hoặc tài liệu tương đương phải được hợp pháp hóa lãnh sự.
Sau khi chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ trên, cá nhân, tổ chức mang nộp trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện 01 bộ hồ sơ đề nghị đăng ký thành lập đến cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập.
Bước 2: Tiếp nhận, giải quyết hồ sơ
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ, cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập có trách nhiệm xem xét và cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập đối với cơ sở đăng ký thành lập mới.
Trường hợp cơ sở đề nghị không đủ điều kiện theo quy định thì cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập có thông báo rõ lý do bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân đề nghị.
Lưu ý:
– Giấy chứng nhận đăng ký thành lập viện dưỡng lão chỉ được cấp cho cá nhân, tổ chức có yêu cầu đáp ứng các điều kiện: tên cơ sở đặt đúng theo quy định vầ đầy đủ hồ sơ hợp lệ.
– Cơ sở được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp hoặc cơ sở được thành lập theo quy định của pháp luật về tổ chức, hoạt động và quản lý xã hội và cơ sở trợ giúp xã hội dưới 10 đối tượng có hoàn cảnh khó khăn không phải thực hiện trình tự, thủ tục đăng ký thành lập theo quy định này.
Thủ tục cấp Giấy phép hoạt động
Để hoàn tất thủ tục mở viện dưỡng lão tại Việt Nam theo quy định mới nhất, tổ chức, cá nhân sáng lập phải xin cấp Giấy phép hoạt động cho cơ sở của mình.
Điều kiện cấp Giấy phép hoạt động
Cơ sở được cấp giấy phép hoạt động khi có đủ các điều kiện quy định tại Điều 26 Nghị định 103/2017/NĐ-CP. Cụ thể bao gồm:
– Cơ sở được cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập theo quy định tại Mục 2 Chương III Nghị định này hoặc cơ sở trợ giúp xã hội được thành lập hợp pháp theo quy định của pháp luật về tổ chức, hoạt động và quản lý hội hoặc cơ sở trợ giúp xã hội được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.
– Người đứng đầu cơ sở phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có phẩm chất đạo đức tốt, không mắc tệ nạn xã hội và không thuộc đối tượng bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án mà chưa được xóa án tích.
– Có nhân viên trực tiếp tư vấn, chăm sóc đối tượng.
– Trường hợp cơ sở có chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng thì phải bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất và nhân lực theo quy định.
Thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động
Điều 28 Nghị định 103/2017/NĐ-CP quy định thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động như sau:
– Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cấp giấy phép hoạt động đối với các trường hợp sau đây:
+ Cơ sở thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; cơ quan trung ương của tổ chức chính trị – xã hội và cơ quan trung ương của tổ chức xã hội – nghề nghiệp có trụ sở của cơ sở đặt tại địa phương;
+ Cơ sở do cơ quan, tổ chức cấp tỉnh thành lập hoặc cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập.
– Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cấp giấy phép hoạt động đối với các cơ sở có trụ sở tại địa phương do các tổ chức, cá nhân thành lập mà không thuộc các trường hợp trên.
Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động
Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động bao gồm:
– Tờ khai đề nghị cấp giấy phép hoạt động của cơ sở theo Mẫu số 09 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 103/2017/NĐ-CP;
– Bản photocopy giấy chứng nhận đăng ký thành lập cơ sở hoặc quyết định thành lập theo quy định của pháp luật.
Trình tự, thủ tục cấp giấy phép hoạt động
Tùy thuộc vào thẩm quyền cấp Giấy phép hoạt động cho cơ sở của mình mà thủ tục xin cấp loại giấy phép này có sự khác nhau nhất định. Cụ thể:
Đối với trường hợp thuộc thẩm quyền cấp phép của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội
– Cơ sở nộp 1 bộ hồ sơ tới Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thẩm định các điều kiện để cấp giấp phép hoạt động trong thời hạn 10 ngày làm việc;
– Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có kết quả thẩm định, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm cấp, cấp lại hoặc điều chỉnh giấy phép hoạt động.
Đối với trường hợp thuộc thẩm quyền cấp phép của Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội
– Cơ sở nộp 01 bộ hồ sơ tới Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội;
– Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm cấp giấy phép hoạt động. Trường hợp không đồng ý thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Lưu ý: Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày cơ sở được cấp giấy phép hoạt động, giám đốc cơ sở có trách nhiệm ban hành và công bố, niêm yết công khai Quy chế hoạt động và Quy chế chi tiêu tại cơ sở.
Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi về “Thủ tục mở viện dưỡng lão tại Việt Nam theo quy định mới nhất” gửi đến bạn đọc. Nếu bạn còn bất kỳ thắc mắc nào, bạn hãy liên hệ với chúng tôi để được giải đáp.
Giấy phép chứng thực chữ ký số công cộng là gì?
Tổ chức cung cấp dịch vụ chữ ký số công cộng cần phải được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp cấp giấy phép cung [...]
Tiêu chí xác định doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường
Vị trí thống lĩnh thị trường là một trong những vị trí mà bất cứ doanh nghiệp nào đều mong muốn có được. Vậy theo [...]