Một vài lưu ý về làm thêm giờ doanh nghiệp nên biết
Để tăng số lượng sản phẩm, doanh nghiệp thường tổ chức cho lao động làm thêm giờ. Dưới đây là một vài lưu ý về làm thêm giờ doanh nghiệp nên biết.
Đảm bảo thời gian làm thêm giờ
Một trong những điều kiện để người sử dụng lao động làm thêm giờ đó là việc đảm bảo về số giờ thêm thêm theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, theo quy định tại khoản 2 Điều 106 Bộ luật lao động 2012, người sử dụng lao động phải bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày.
Trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 30 giờ trong 01 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 01 năm.
Xem thêm: Quy định về làm thêm giờ và tiền lương làm thêm giờ
Thông báo về việc tổ chức làm thêm giờ
Doanh nghiệp được tổ chức cho người lao động làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 01 năm khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 45/2013/NĐ-CP, bao gồm:
– Sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm là hàng dệt, may, da, giày, chế biến nông, lâm, thủy sản;
– Sản xuất, cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu; cấp, thoát nước;
– Các trường hợp khác phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn.
Khi tổ chức làm thêm giờ, doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
Trường hợp không thông báo, doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng theo quy định tại Khoản 11 Điều 1 Nghị định 88/2015/NĐ-CP.
Không được sử dụng lao động nữ mang thai làm thêm giờ
Lao đọng nữ được dành cho khá nhiều ưu tiên trong quá trình mang thai như không bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động vì lý do mang thai; không bị xử lý kỷ luật;… Ngoài ra, doanh nghiệp không được phép sử dụng người lao động nữ mang thai làm thêm giờ.
Trường hợp doanh nghiệp sử dụng lao động nữ mang thai làm thêm giờ thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 18 Nghị định 95/2013/NĐ-CP.
Sử dụng lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 163 Bộ luật lao động 2012, doanh nghiệp được phép sử dụng người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi để làm thêm giờ trong một số nghề và công việc do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định. Tuy nhiên hiện nay lại chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể về các ngành nghề đó.
Chính vì vậy, khi sử dụng các đối tượng này thì người sử dụng lao động nên liên hệ với cơ quan quản lý lao động để được hỗ trợ.
Trả lương cho người lao động làm thêm giờ
Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang theo quy định tại Điều 97 Bộ luật lao động 2012 như sau:
– Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;
– Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;
– Vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày.
Theo đó, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả tiền lương cho người lao động làm thêm giờ đúng theo quy định trên.
Xem thêm: Lương làm thêm giờ có phải đóng thuế thu nhập cá nhân
Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi về “Một vài lưu ý về làm thêm giờ doanh nghiệp nên biết’ gửi đến bạn đọc. Nếu bạn còn bất kỳ thắc mắc nào, bạn hãy liên hệ với chúng tôi để được giải đáp.
Quy định đối với lao động là người giúp việc gia đình
Với lao động là người giúp việc gia đình thì có những quy đinhj riêng nào theo quy định pháp luật hiện hành? Hãy cùng LawKey [...]
Những quy định cần lưu ý về tai nạn lao động
Những quy định cần lưu ý về tai nạn lao động Mỗi một công việc tiềm tàng những rủi ro mà không báo trước, dù không [...]