Thủ tục mua hóa đơn của cơ quan thuế mới nhất
Doanh nghiệp nào được mua hóa đơn của cơ quan thuế? Thủ tục mua hóa đơn của cơ quan thuế cần thực hiện như thế nào?
Để giải đáp một phần thắc mắc của các doanh nghiệp, LawKey – chìa khóa pháp luật xin được gửi đến Quý doanh nghiệp một số quy định của pháp luật về thủ tục mua hóa đơn của cơ quan thuế.
Quy định cần biết khi mua hóa đơn của cơ quan thuế
Đối tượng mua hóa đơn của cơ quan thuế được quy định tại Thông tư 39/2014/TT-BTC, cụ thể như sau:
Đối tượng được cơ quan thuế bán hóa đơn
Cơ quan thuế bán hóa đơn cho các đối tượng sau:
1. Tổ chức không phải là doanh nghiệp nhưng có hoạt động kinh doanh (bao gồm cả hợp tác xã, nhà thầu nước ngoài, ban quản lý dự án).
Tổ chức không phải là doanh nghiệp nhưng có hoạt động kinh doanh là các tổ chức có hoạt động kinh doanh nhưng không được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và pháp luật kinh doanh chuyên ngành khác.
2. Hộ, cá nhân kinh doanh;
3. Tổ chức kinh doanh, doanh nghiệp nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp theo tỷ lệ % nhân với doanh thu;
4. Doanh nghiệp đang sử dụng hóa đơn tự in, đặt in thuộc loại rủi ro cao về thuế;
5. Doanh nghiệp đang sử dụng hóa đơn tự in, đặt in có hành vi vi phạm về hóa đơn bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế, gian lận thuế.
Trong đó, Doanh nghiệp đang sử dụng hóa đơn tự in, đặt in thuộc loại rủi ro cao về thuế và Doanh nghiệp đang sử dụng hóa đơn tự in, đặt in có hành vi vi phạm về hóa đơn bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế, gian lận thuế mua hóa đơn của cơ quan thuế trong thời gian 12 tháng.
Hết thời gian 12 tháng, căn cứ tình hình sử dụng hóa đơn, việc kê khai, nộp thuế của doanh nghiệp và đề nghị của doanh nghiệp, trong thời hạn 5 ngày làm việc, cơ quan thuế có văn bản thông báo doanh nghiệp chuyển sang tự tạo hóa đơn để sử dụng hoặc tiếp tục mua hóa đơn của cơ quan thuế nếu không đáp ứng điều kiện tự in hoặc đặt in hóa đơn.
Doanh nghiệp đang sử dụng hóa đơn tự in, đặt in thuộc loại rủi ro cao về thuế
Doanh nghiệp đang sử dụng hóa đơn tự in, đặt in thuộc loại rủi ro cao về thuế bao gồm:
– Không có quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp các cơ sở vật chất sau: nhà máy; xưởng sản xuất; kho hàng; phương tiện vận tải; cửa hàng và các cơ sở vật chất khác.
– Doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực khai thác đất, đá, cát, sỏi.
– Doanh nghiệp có giao dịch qua ngân hàng đáng ngờ theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền.
– Doanh nghiệp có doanh thu từ việc bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp khác mà chủ các doanh nghiệp này có mối quan hệ cha mẹ, vợ chồng, anh chị em ruột hoặc quan hệ liên kết sở hữu chéo chiếm tỷ trọng trên 50% trên tổng doanh thu kinh doanh trên Tờ khai quyết toán thuế TNDN của năm quyết toán.
– Doanh nghiệp không thực hiện kê khai thuế theo quy định: Không nộp hồ sơ khai thuế hoặc nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc kể từ ngày bắt đầu hoạt động kinh doanh theo giấy phép đăng ký kinh doanh; nghỉ kinh doanh quá thời hạn đã thông báo tạm nghỉ kinh doanh với cơ quan thuế và cơ quan thuế kiểm tra xác nhận doanh nghiệp có sản xuất kinh doanh nhưng không kê khai thuế; không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh và không khai báo với cơ quan thuế hoặc cơ quan thuế kiểm tra không xác định được nơi đăng ký thường trú, tạm trú của người đại diện theo pháp luật, chủ doanh nghiệp.
– Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp bị khởi tố về tội trốn thuế, tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước.
– Doanh nghiệp đang sử dụng hóa đơn tự in, đặt in có sự thay đổi địa chỉ kinh doanh từ 2 lần trở lên trong vòng 12 tháng mà không khai báo theo quy định hoặc không kê khai, nộp thuế ở nơi đăng ký mới theo quy định.
– Doanh nghiệp có dấu hiệu bất thường khác theo tiêu chí đánh giá rủi ro về thuế của cơ quan thuế.
>> Xem thêm: Các nguyên tắc lập hóa đơn quan trong hoạt động kinh doanh của Công ty cổ phần
Thủ tục mua hóa đơn của cơ quan thuế
Khi thực hiện mua hóa đơn của cơ quan thuế, doanh nghiệp thường mắc phải một số lỗi và cần chú ý các điểm sau:
Trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế
Cơ quan thuế quản lý trực tiếp có trách nhiệm định kỳ trước ngày 5 hàng tháng, rà soát, kiểm tra thực tế, lập danh sách doanh nghiệp thuộc loại rủi ro cao về thuế. Cục thuế có trách nhiệm tổng hợp danh sách doanh nghiệp thuộc loại rủi ro cao về thuế của Chi cục thuế và doanh nghiệp thuộc quản lý của Cục thuế.
Ngày 15 hàng tháng, Cục trưởng Cục thuế ban hành Quyết định kèm theo Danh sách doanh nghiệp thuộc loại rủi ro cao về thuế, công bố công khai “Danh sách doanh nghiệp thuộc loại rủi ro cao về thuế thực hiện mua hóa đơn do cơ quan thuế phát hành” trên Trang thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, đồng thời thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp biết.
Sau 15 ngày kể từ ngày Cục trưởng Cục thuế ban hành Quyết định và thông báo cho doanh nghiệp biết, doanh nghiệp phải dừng việc sử dụng hóa đơn tự in, đặt in và chuyển sang sử dụng hóa đơn mua của cơ quan thuế. Cơ quan thuế có trách nhiệm bán hóa đơn cho doanh nghiệp để sử dụng ngay sau khi có thông báo cho doanh nghiệp về việc dừng sử dụng hóa đơn đặt in, tự in.
>> Xem thêm: Xuất hóa đơn, Ủy nhiệm xuất hóa đơn
Thủ tục chuyển hóa đơn tự in, đặt in sang mua hóa đơn của cơ quan thuế
Đối với doanh nghiệp đang sử dụng hóa đơn tự in, đặt in có hành vi vi phạm về hóa đơn bị xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi trốn thuế, gian lận thuế:
Doanh nghiệp không được tiếp tục sử dụng hóa đơn tự in, đặt in. Thời điểm không được sử dụng hóa đơn tự in, đặt in của doanh nghiệp được tính từ ngày Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế, gian lận thuế có hiệu lực thi hành. Khi ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế, gian lận thuế, cơ quan thuế ghi rõ tại Quyết định xử phạt thời điểm doanh nghiệp không được sử dụng hóa đơn tự in, đặt in mà phải chuyển sang mua hóa đơn của cơ quan thuế.
Sau 30 ngày, kể từ ngày Cục trưởng Cục Thuế có văn bản thông báo cho doanh nghiệp biết (đối với doanh nghiệp thuộc diện rủi ro cao về thuế) và kể từ ngày Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế, gian lận thuế có hiệu lực thi hành (đối với doanh nghiệp có hành vi vi phạm về hóa đơn), doanh nghiệp lập báo cáo hóa đơn hết giá trị sử dụng. Doanh nghiệp thực hiện hủy các hóa đơn tự in, đặt in hết giá trị sử dụng và thông báo kết quả hủy hóa đơn cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp.
Căn cứ báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn của tổ chức kinh doanh, doanh nghiệp, kể từ thời điểm doanh nghiệp bắt đầu mua hóa đơn của cơ quan thuế, cơ quan thuế quản lý trực tiếp thực hiện thông báo hóa đơn đặt in không còn giá trị sử dụng đối với những hóa đơn đặt in đã thông báo phát hành nhưng chưa sử dụng của doanh nghiệp khi chuyển sang mua hóa đơn của cơ quan thuế nêu trên.
Hồ sơ mua hóa đơn của cơ quan thuế
– Đề nghị mua hóa đơn (mẫu số 3.3 Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư 39/2014/TT-BTC) và kèm theo các giấy tờ sau:
– Người mua hóa đơn (người có tên trong đơn hoặc người được doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh, chủ hộ kinh doanh ủy quyền bằng giấy ủy quyền theo quy định của pháp luật) phải xuất trình giấy chứng minh nhân dân còn trong thời hạn sử dụng theo quy định của pháp luật về giấy chứng minh nhân dân.
– Tổ chức, hộ, cá nhân mua hóa đơn lần đầu phải có văn bản cam kết (Mẫu số 3.16 Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư 39/2014/TT-BTC) về địa chỉ sản xuất, kinh doanh phù hợp với giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy phép đầu tư (giấy phép hành nghề) hoặc quyết định thành lập của cơ quan có thẩm quyền.
Trên đây là hướng dẫn của LawKey – Chìa khóa pháp luật về thủ tục mua hóa đơn từ cơ quan thuế. Nếu muốn giải đáp thêm, Quý khách gọi ngay tới tổng đài tư vấn để được gặp trực tiếp luật sư, chuyên gia kế toán của chúng tôi.
Quy định về tính thuế Thu nhập cá nhân từ trúng thưởng
Quy định về tính thuế Thu nhập cá nhân từ trúng thưởng Quy định về tính thuế Thu nhập cá nhân từ trúng thưởng được [...]
Cách xử lý hóa đơn ghi sai số tiền
Khi hóa đơn ghi sai số tiền thì người lập hóa đơn phải có cách thức xử lý cho phù hợp. Vậy theo pháp luật hiện hành [...]