Người lao động ngừng việc vẫn được hưởng lương
NGƯỜI LAO ĐỘNG NGỪNG VIỆC VẪN ĐƯỢC HƯỞNG LƯƠNG
Trong quá trình lao động khó tránh khỏi có những trường hợp do sự cố xảy ra buộc phải tạm ngừng hoạt động lao động cho dù cả hai bên trong quan hệ lao động đều không mong muốn, như: sự cố điện, nước; thiên tai, địch họa, dịch bệnh; thiếu nguyên vật liệu; máy móc, thiết bị bị hỏng; tai nạn lao động… Trong những trường hợp đó, việc làm của người lao động bị gián đoạn, ảnh hưởng trực tiếp tới tiền lương, đời sống của người lao động và gia đình họ, đồng thời cũng ảnh hưởng không nhỏ tới lợi ích của người sử dụng lao động.
Để bảo vệ người lao động và hài hòa lợi ích giữa các bên, Bộ Luật lao động 2012 quy định mức trả lương ngừng việc cho người lao động khá linh hoạt trong từng trường hợp cụ thể.
Theo quy định tại Điều 98 Bộ luật lao động 2012 và Điều 26 Nghị định 05/2015/NĐ-CP, trong trường hợp phải ngừng việc, người lao động được trả lương như sau:
– Nếu ngừng việc do lỗi của người sử dụng lao động thì người lao động được trả đủ tiền lương. Tiền lương trả cho người lao động trong trường hợp này là tiền lương ghi trong hợp đồng lao động khi người lao động phải ngừng việc và được tính tương ứng với các hình thức trả lương theo thời gian.
– Nếu ngừng việc do lỗi của người lao động thì người lao động có lỗi đó không được trả lương, những người lao động khác trong cùng đơn vị phải ngừng việc được trả lương theo mức do hai bên thoả thuận nhưng không thấp hơn mức tiền lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
Ví dụ: Đình công là sự ngừng việc tạm thời, tự nguyện và có tổ chức của tập thể lao động nhằm đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động. Điều 218 Bộ luật lao động 2012 quy định:
Người lao động không tham gia đình công nhưng phải ngừng việc vì lý do đình công thì được trả lương ngừng việc theo quy định tại khoản 2 Điều 98 của Bộ luật này và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật về lao động.
Người lao động tham gia đình công không được trả lương và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp hai bên có thoả thuận khác.
– Nếu ngừng việc vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động, người lao động hoặc vì các nguyên nhân khách quan khác như thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch hoạ, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế, thì tiền lương ngừng việc do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
Đối với quy định về ngừng việc làm thì hiện nay trong Bộ luật lao động và các văn bản có liên quan không có quy định cụ thể về thời gian ngừng việc mà chỉ có quy định về mức lương người lao động được hưởng trong thời gian ngừng việc như theo quy định vừa phân tích ở trên. Do vậy, thời gian nghỉ không ảnh hưởng đến mức lương được hưởng.
Trên đây là nội dung phân tích Người lao động ngừng việc vẫn được hưởng lương LawKey gửi đến bạn đọc
Thời gian tạm hoãn hợp đồng lao động tối đa là bao lâu?
Theo quy định pháp luật thì thời gian tạm hoãn hợp đồng lao động tối đa là bao lâu? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết [...]
Quy định về giao kết hợp đồng lao động với nhóm người lao động
Quy định về giao kết hợp đồng lao động với nhóm người lao động Theo quy định tại Bộ luật lao động 2012, Hợp đồng [...]