Nguyên tắc bồi thường thiệt hại theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015
Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Vậy Nguyên tắc bồi thường thiệt hại được quy định thế nào?
Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại
Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp BLDS, luật khác có liên quan quy định khác.
Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
Xem thêm: Điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
Nguyên tắc bồi thường thiệt hại
Bộ luật dân sự 2015 (BLDS) quy định nguyên tắc bồi thường thiệt hại tại Điều 585.
Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời
Nguyên tắc chung là thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời.
Khoản 1 Điều 585 quy định “Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.”
Giảm mức bồi thường
Tuy nhiên để đảm bảo tính khả thi của bản án, quyết định của tòa án, phù hợp với những điều kiện thực tế của các đương sự trong quan hệ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, Khoản 2 Điều 585 quy định “Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.”
Quy định này không quy định về việc giảm mức bồi thường là bao nhiêu. Việc giải quyết mức bồi thường phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh, mức độ lỗi của người bị thiệt hại, người gây ra thiệt hại (vô ý nặng, nhẹ) Tòa án phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để quyết định giảm mức bồi thường.
Thiệt hại xảy ra quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của người gây thiệt hại là cơ sở để giảm mức bồi thường. Cần phân biệt giảm mức bồi thường với việc tạm hoãn thi hành án. Trong thi hành án, người không có khả năng kinh tế trước mắc có thể được tạm hoãn thi hành án.
Trường hợp mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế
Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.
Mức bồi thường thiệt hại có thể do các bên thỏa thuận hoặc Tòa án quyết định. Tuy nhiên, mức bồi thường đã thỏa thuận và quyết định có thể bị thay đổi nếu mức bồi thường ” không còn phù hợp với thực tế” Việc xem xét các điều kiện thực tế và xác định sự phù hợp căn cứ vào yêu cầu của các bên, thực tế cần phải thay đổi mức bồi thường như người được bồi thường tăng thu nhập, phải chi phí thêm để chữa bệnh,.. Việc xem xét tăng hoặc giảm mức bồi thường do tòa án xác định theo yêu cầu của các bên.
Trường hợp bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại
Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
Đối với bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm
Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.
Ý nghĩa của việc quy định Nguyên tắc bồi thường thiệt hại
Bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi trái pháp luật gây ra là nguyên tắc công bằng, hợp lí phù hợp với mục đích và chức năng phục hồi của chế định pháp luật này. Bồi thường kịp thời cho người bị thiệt hại nhằm khắc phục tình trạng tài sản của người bị thiệt hại. Điều này có ý nghĩa quan trọng khi thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của cá nhân bị xâm hại. Việc quyết định bồi thường kịp thời có ý nghĩa lớn đối với nạn nhân trong việc cứu chữa, hạn chế thiệt hại bởi các chi phí cho việc cứu chữa bệnh nhân trong điều kiện này nhiều khi vượt quá khả năng của nạn nhân. Việc quy định về thủ tục tố tụng để đảm bảo thực hiện nguyên tắc này là rất cần thiết.
Trên đây là nội dung Nguyên tắc bồi thường thiệt hại theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015 Lawkey gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Lawkey.
Xem thêm: Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân
Thủ tục yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án
Bộ Tư pháp sau khi thống nhất với Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Công văn số 1503/BTP-PBGDPL ngày 05/05/2017 hướng dẫn [...]
Thành lập công ty chứng khoán riêng lẻ như thế nào?
Bên cạnh công ty đầu tư chứng khoán đại chúng, còn có công ty đầu tư chứng khoán riêng lẻ. Vậy thành lập công ty chứng [...]