NHỮNG ĐIỂM MỚI NỔI BẬT VỀ CƠ CẤU TỔ CHỨC TÒA ÁN NHÂN DÂN TỪ NGÀY 01/7/2025
Những điểm mới nổi bật về cơ cấu tổ chức Tòa án nhân dân từ ngày 01/7/2025
I. Tổng quan về sự thay đổi
Từ ngày 01/7/2025, hệ thống Tòa án nhân dân (TAND) tại Việt Nam chính thức vận hành theo mô hình tổ chức mới theo quy định của Luật Tổ chức TAND sửa đổi. Đây là một trong những bước cải cách quan trọng nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng xét xử, chuyên môn hóa thẩm quyền và tăng cường hiệu quả hoạt động tư pháp.
Theo toàn văn Luật số 81/2025/QH15: SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT TỔ CHỨC TÒA ÁN NHÂN DÂN, khoản 1 Điều 1 Sửa đổi, bổ sung Điều 4 như sau:
“Điều 4. Tổ chức và thẩm quyền thành lập, giải thể các Tòa án nhân dân
1. Tổ chức của Tòa án nhân dân bao gồm:
a) Tòa án nhân dân tối cao;
b) Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố (sau đây gọi là Tòa án nhân dân cấp tỉnh);
c) Tòa án nhân dân khu vực;
d) Tòa án chuyên biệt tại Trung tâm tài chính quốc tế (sau đây gọi là Tòa án chuyên biệt);
đ) Tòa án quân sự trung ương, Tòa án quân sự quân khu và tương đương, Tòa án quân sự khu vực (sau đây gọi chung là Tòa án quân sự).
2. Thẩm quyền thành lập, giải thể Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân khu vực; phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của một số Tòa án nhân dân cấp tỉnh, của Tòa án nhân dân khu vực và Tòa án quân sự được quy định như sau:
a) Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập, giải thể Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân khu vực; quy định về phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án nhân dân khu vực theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao;
b) Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của một số Tòa án nhân dân cấp tỉnh đối với yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao;
c) Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của một số Tòa án nhân dân khu vực giải quyết vụ việc phá sản; vụ việc dân sự, kinh doanh, thương mại, vụ án hành chính về sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao;
d) Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập, giải thể và quy định về phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án quân sự quân khu và tương đương, Tòa án quân sự khu vực theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao sau khi thống nhất với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.”.
==> Như vậy so với trước đây hệ thống TAND tại Việt Nam tổ chức theo mô hình 4 cấp, thì từ thời điểm nói trên, hệ thống được tái cấu trúc theo mô hình 3 cấp gồm:
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân cấp tỉnh (bao gồm các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương);
- Tòa án nhân dân khu vực.
Đồng thời, một Tòa án chuyên biệt mới được thành lập tại Trung tâm tài chính quốc tế, và hệ thống Tòa án quân sự vẫn được giữ nguyên.
II. So sánh cơ cấu tổ chức Tòa án trước và sau khi sửa đổi
Tiêu chí | Trước 01/7/2025 | Sau 01/7/2025 |
Số cấp tòa án | 4 cấp: Tòa tối cao, Tòa cấp cao, Tòa tỉnh, Tòa huyện | 3 cấp: Tòa tối cao, Tòa tỉnh, Tòa khu vực |
Tòa án cấp trung gian | Có Tòa án nhân dân cấp cao | Bỏ Tòa án nhân dân cấp cao |
Tòa án cấp huyện | Có Tòa án nhân dân cấp huyện/quận/thị xã/thành phố thuộc tỉnh | Bỏ cấp huyện, thay bằng Tòa án nhân dân khu vực |
Tòa chuyên biệt sơ thẩm | Có 3 loại: Hành chính, Sở hữu trí tuệ, Phá sản | Bỏ hình thức này, lồng ghép vào tòa khu vực hoặc giao cho tòa tỉnh xử lý theo phân công chuyên môn |
Tòa án chuyên biệt mới | Không có | Bổ sung: Tòa án chuyên biệt tại Trung tâm tài chính quốc tế |
Tòa án quân sự | Tồn tại đầy đủ các cấp: Trung ương, quân khu, khu vực | Giữ nguyên |
III. Phân tích các điểm mới nổi bật
1. Tinh gọn hệ thống tổ chức Tòa án
Việc loại bỏ Tòa án cấp cao và cấp huyện giúp rút gọn một tầng trung gian, giảm bớt tình trạng phân mảnh về thẩm quyền, nhân sự và cơ sở vật chất. Thay vào đó, mô hình Tòa án nhân dân khu vực được thành lập trên cơ sở sáp nhập các Tòa án cấp huyện liền kề, nhằm sử dụng hiệu quả nguồn lực xét xử, tạo điều kiện chuyên môn hóa theo lĩnh vực.
2. Chuyên môn hóa thẩm quyền xét xử
Thay vì thành lập Tòa sơ thẩm chuyên biệt riêng lẻ (như trước đây với án hành chính, sở hữu trí tuệ, phá sản), mô hình mới giao cho một số Tòa án nhân dân cấp khu vực hoặc cấp tỉnh thụ lý các vụ việc theo lĩnh vực chuyên sâu. Cụ thể:
- Một số Tòa án cấp khu vực được giao xét xử vụ phá sản, án dân sự, kinh doanh thương mại, hành chính về sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ.
- Một số Tòa án cấp tỉnh được giao thụ lý yêu cầu hủy phán quyết trọng tài hoặc đăng ký phán quyết trọng tài vụ việc.
Việc này giúp nâng cao chất lượng xét xử các vụ việc phức tạp, đảm bảo trình độ chuyên môn phù hợp với tính chất từng loại án.
3. Thành lập Tòa án chuyên biệt tại Trung tâm tài chính quốc tế
Đây là một điểm mới đáng chú ý, phù hợp với xu thế quốc tế và yêu cầu xây dựng môi trường pháp lý thuận lợi cho hoạt động đầu tư, thương mại, đặc biệt là các giao dịch tài chính quy mô lớn. Tòa án này có chức năng giải quyết nhanh chóng, chuyên sâu các tranh chấp có yếu tố quốc tế, liên quan đến trung tâm tài chính đặc thù.
4. Phân quyền rõ ràng cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Trước đây, UBTVQH có thẩm quyền thành lập và giải thể hầu hết các cấp tòa. Theo quy định mới:
- UBTVQH chỉ còn thẩm quyền thành lập/giải thể Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân khu vực.
- Phạm vi thẩm quyền lãnh thổ của từng Tòa được quy định cụ thể theo đề nghị của Chánh án TAND Tối cao.
- Việc phân công xử lý các loại án đặc thù như phá sản, sở hữu trí tuệ, trọng tài được giao định danh cụ thể cho một số Tòa.
==> Điều này cho thấy tính minh bạch, rõ ràng trong thiết kế hệ thống và tạo cơ sở pháp lý cho việc chuyên môn hóa chức năng.
IV. Tác động tích cực trong thực tiễn thi hành
– Đối với người dân: Việc sáp nhập cấp huyện về khu vực có thể làm tăng khoảng cách địa lý tiếp cận Tòa án trong ngắn hạn, nhưng đổi lại là chất lượng xét xử được bảo đảm hơn, thời gian giải quyết có thể rút ngắn do chuyên môn hóa và tập trung hóa đội ngũ.
– Đối với doanh nghiệp: Luật mới tăng cường tính ổn định và tin cậy cho các giao dịch thương mại, đặc biệt trong lĩnh vực trọng tài và sở hữu trí tuệ – những vấn đề doanh nghiệp rất quan tâm trong bối cảnh hội nhập.
– Đối với hệ thống tư pháp: Việc tái cấu trúc giúp giảm biên chế, tăng hiệu suất, hạn chế trùng lặp thẩm quyền giữa các cấp tòa và phù hợp với xu thế cải cách tư pháp.

Thủ tục trẻ em và người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế nhận tiền hỗ trợ
Nhà nước đang ban hành nhiều văn bản pháp luật hỗ trợ cho trẻ em và người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế. Vậy [...]

Cổ đông ‘siêu doanh nghiệp’: Vốn 144.000 tỷ là đăng ký nhầm
Bà Kim Thị Phương là một trong ba cổ đông của Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư quốc tế và Dịch vụ thương mại USC (USC [...]