Quy định về Phiếu lý lịch tư pháp trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp
LawKey xin gửi tới bạn đọc nội dung bài viết về Phiếu lý lịch tư pháp trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật hiện hành.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 18 Luật Doanh nghiệp 2014, tổ chức, cá nhân sau đây không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam: Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành hình phạt tù, quyết định xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị cấm hành nghề kinh doanh, đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định liên quan đến kinh doanh theo quyết định của Tòa án; các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về phá sản, phòng, chống tham nhũng.
Đồng thời cũng tại khoản này quy định: “Trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh”.
Như vậy, khi thực hiện thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, người đăng ký thành lập doanh nghiệp có thể phải cung cấp Phiếu lý lịch tư pháp theo yêu cầu của Cơ quan đăng ký kinh doanh. Đây là quy định mới của Luật Doanh nghiệp năm 2014.
Xem thêm: Trường hợp không được phép thành lập và quản lý doanh nghiệp
** Ưu điểm
Điều này rất có ý nghĩa trong việc kiểm soát hồ sơ đăng ký kinh doanh, hạn chế được tình trạng người không có quyền thành lập, quản lý doanh nghiệp vẫn tiến hành thủ tục đăng ký kinh doanh.
** Hạn chế
(i) Mất nhiều thời gian và tốn kém chi phí
Luật doanh nghiệp 2005 quy định, thành lập doanh nghiệp mất 10 ngày làm việc. Luật doanh nghiệp 2014 rút ngắn thời gian đó xuống còn 3 ngày làm việc. Nhưng thời gian cấp Phiếu lý lịch tư pháp mất từ 10 -15 ngày. Đó là chưa kể muốn được cấp Phiếu lý lịch tư pháp, người đó còn có thể phải về tận nơi đăng ký hộ khẩu để làm thủ tục tại Sở Tư pháp hoặc phải ra cơ quan công chứng/ủy ban phường, xã để làm thủ tục ủy quyền cho người khác thực hiện thủ tục thay. Như vậy một quy định tưởng chừng như cải cách lại vô tình làm khó doanh nghiệp, làm tốn thời gian và chi phí của người có nhu cầu thành lập doanh nghiệp.
(ii) Tạo kẽ hở để tiêu cực nẩy sinh
Theo quy định từ Điều 20 đến Điều 23 Luật doanh nghiệp 2014, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp của doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty TNHH, công ty cổ phần không có thành phần bắt buộc là Phiếu lý lịch tư pháp. Hơn nữa theo quy định tại Khoản 2 Điều 9 Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp: Cơ quan đăng ký kinh doanh không được yêu cầu người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp nộp thêm hồ sơ hoặc giấy tờ khác ngoài các giấy tờ trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp theo quy định.
Nhưng Khoản 2 Điều 18 Luật Doanh nghiệp 2014, lại bỏ ngỏ: “Trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh” mà không quy định rõ là các trường hợp nào.
Đây là quy định thiếu sự minh bạch trong quy định, không ai có thể biết được trường hợp nào thì cơ quan quản lý yêu cầu nộp, trường hợp nào thì không yêu cầu. Người thành lập doanh nghiệp luôn ở trọng tình trạng bị động.
(iii) Bỏ sót đối tượng
Ngoài việc quy định không rõ ràng thì quy định này cũng có sự thiếu sót lớn. Khoản 2 Điều 18 quy định Phiếu lý lịch tư pháp chỉ được đặt ra với cá nhân khi thành lập doanh nghiệp, còn với trường hợp doanh nghiệp thay đổi người quản lý thì không yêu cầu. Trong khi mục đích của Phiếu là nhằm đưa ra thông tin kiểm chứng cá nhân đó có bị cấm thành lập, điều hành, quản lý doanh nghiệp hay không thì quy định như vậy là đã bỏ sót đối tượng..
Trên đây là nội dung đánh giá về “Phiếu lý lịch tư pháp trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp”, LawKey gửi tới bạn đọc.
Thành lập chi nhánh doanh nghiệp tư nhân theo quy định
Thành lập chi nhánh doanh nghiệp tư nhân được pháp luật quy định như thế nào? Hồ sơ, thủ tục, trình tự thành lập chi nhánh [...]
Khi góp vốn vào doanh nghiệp cần chú ý những gì?
Khi góp vốn vào doanh nghiệp cần chú ý những gì? Tài sản nào được góp vốn? Thời gian góp là bao lâu? Pháp luật quy định [...]