Doanh nghiệp quảng cáo sữa thay thế sữa mẹ có được không?
Doanh nghiệp quảng cáo sữa thay thế sữa mẹ có được không? Các sản phẩm, mặt hàng nào bị cấm quảng cáo theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay?
Tóm tắt câu hỏi:
Công ty tôi là doanh nghiệp FDI vốn Nhật Bản chuyên bán các sản phẩm sữa dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi và dự kiến sẽ bán thêm các sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ dưới 06 tháng tuổi. Tôi được biết 2 mặt hàng này bị cấm quảng cáo. Tuy nhiên, các đại lý, công ty sữa có tiếng cả trong và ngoài nước vẫn quảng cáo tràn lan trên website của họ. Vậy luật sư cho tôi hỏi việc quảng cáo sữa như trên là đúng hay sai? Công ty tôi có được quảng cáo các sản phẩm sữa mà công ty đang bán không?
Luật sư tư vấn:
Công ty TNHH Tư vấn LawKey Việt Nam cảm ơn anh/chị đã tin tưởng khi gửi câu hỏi đến LawKey. Với thắc mắc của anh/chị, luật sư LawKey tư vấn như sau:
Một số vấn đề pháp lý liên quan
Quảng cáo của tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam
Điều 39 Luật Quảng cáo hợp nhất quy định về hoạt động quảng cáo của tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam như sau:
1. Tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động tại Việt Nam được quảng cáo về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và hoạt động của mình tại Việt Nam theo quy định của Luật này.
2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài không hoạt động tại Việt Nam có nhu cầu quảng cáo về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và hoạt động của mình tại Việt Nam phải thuê người kinh doanh dịch vụ quảng cáo của Việt Nam thực hiện.
Xem thêm: Quảng cáo là gì? Điều kiện xin giấy phép quảng cáo
Hợp tác, đầu tư với nước ngoài trong hoạt động quảng cáo
Theo Điều 40 Luật Quảng cáo, tổ chức, cá nhân nước ngoài được hợp tác, đầu tư với người kinh doanh dịch vụ quảng cáo của Việt Nam theo hình thức liên doanh và hợp đồng hợp tác kinh doanh. Việc hợp tác, đầu tư nước ngoài trong hoạt động quảng cáo phải tuân theo các quy định pháp luật về đầu tư.
Văn phòng đại diện của doanh nghiệp quảng cáo nước ngoài tại Việt Nam
Theo Điều 41 Luật Quảng cáo, doanh nghiệp quảng cáo nước ngoài được phép thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam và được hoạt động khi có giấy phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi doanh nghiệp nước ngoài đề nghị thành lập văn phòng đại diện.
Lưu ý, văn phòng đại diện chỉ được xúc tiến quảng cáo, không được trực tiếp kinh doanh dịch vụ quảng cáo.
Xem thêm: Thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện doanh nghiệp
Sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo
Các sản phẩm, hàng hóa cấm quảng cáo được quy định tại Điều 7 Luật Quảng cáo gồm:
1. Hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật.
2. Thuốc lá.
3. Rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên.
4. Sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ dưới 06 tháng tuổi; bình bú và vú ngậm nhân tạo.
5. Thuốc kê đơn; thuốc không kê đơn nhưng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khuyến cáo hạn chế sử dụng hoặc sử dụng có sự giám sát của thầy thuốc.
6. Các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích dục.
7. Súng săn và đạn súng săn, vũ khí thể thao và các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích động bạo lực.
8. Các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo khác do Chính phủ quy định khi có phát sinh trên thực tế.
Quảng cáo sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ
Điều 6 Nghị định 100/2014/NĐ-CP quy định về hoạt động quảng cáo sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ như sau:
1. Nghiêm cấm quảng cáo sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi; thức ăn bổ sung dùng cho trẻ dưới 06 tháng tuổi; bình bú và vú ngậm nhân tạo dưới mọi hình thức; sử dụng hình ảnh bào thai hoặc trẻ nhỏ trong quảng cáo sữa dùng cho phụ nữ mang thai.
2. Việc quảng cáo thức ăn bổ sung dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi phải bảo đảm yêu cầu sau đây:
a) Phần đầu của quảng cáo phải có nội dung: “Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ”;
b) Nội dung quảng cáo phải nêu rõ “Sản phẩm này là thức ăn bổ sung và được ăn thêm cùng với sữa mẹ dùng cho trẻ trên 06 tháng tuổi”; phù hợp với quy định về thông tin, giáo dục, truyền thông về nuôi dưỡng trẻ nhỏ và quy định khác của pháp luật về quảng cáo và an toàn thực phẩm.
Đối chiếu với tình huống của anh/chị
Theo quy định nêu trên, sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ dưới 06 tháng tuổi; bình bú và vú ngậm nhân tạo là các sản phẩm, hàng hóa bị cấm quảng cáo. Nếu bị cơ quan có thẩm quyền xử lý, hành vi vi phạm quy định này có thể phải chịu mức phạt từ 80 – 100 triệu VND và sẽ bị cơ quan nhà nước buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo (Điều 50.1c, Điều 50.3 Nghị định 158/2013/NĐ-CP, Điều 2.2 Nghị định 28/2017/ND-CP).
Lưu ý, mức phạt nêu trên chỉ áp dụng đến ngày 31/5/2021, sau thời gian này, mức phạt đối với hành vi quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo đối với tổ chức là từ 100 – 140 triệu VND (Điều 33.1 Nghị định 38/2021/NĐ-CP).
Trên thực tế, quy định cấm quảng cáo một số sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ… có nhiều bất cập và gây nhiều tranh cãi ngay cả giữa các cơ quan nhà nước. Mặc dù có quan điểm nghiêm cấm việc quảng cáo các sản phẩm sữa nêu trên dưới mọi hình thức và thực trạng vi phạm tràn lan nhưng việc xử lý vẫn chưa triệt để.
Trên đây là nội dung tư vấn Doanh nghiệp quảng cáo sữa thay thế sữa mẹ có được không? Lawkey gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Lawkey.
Xem thêm: Thủ tục xin giấy phép quảng cáo theo quy định pháp luật
Ly hôn đơn phương vắng mặt theo quy định pháp luật hiện hành
Ly hôn đơn phương vắng mặt theo quy định pháp luật hiện hành được tiến hành như thế nào? Có ảnh hưởng gì đến việc [...]
Thủ tục đề nghị cấp lại chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản
Chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản được cấp lại trong trường hợp nào? Thủ tục đề nghị cấp lại chứng [...]