Quy định chung về biện pháp hạn chế xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu
Để điều tiết nền kinh tế, bảo vệ các doanh nghiệp trong nước, cân bằng hoặc có lợi thế hơn về cán cân thương mại, các nhà nước đặt ra các biện pháp hạn chế xuất khẩu hạn chế nhập khẩu.
Trong thập niên 90 của thế kỉ XX, Hoa Kỳ phàn nàn Nhật Bản thặng dư trong mua bán với Hoa Kỳ quá nhiều và Nhật Bản bảo hộ ngành sản xuất thiết bị máy bay trong nước. Sau khi đàm phán thất bại, Hoa Kỳ quyết định trả đũa bằng luật Super 3013 nhằm hạn chế nhập khẩu ô tô từ Nhật. Sau đó, Nhật phải nhượng bộ tự hạn chế xuất khẩu ô tô sang Hoa Kỳ và tăng nhập máy bay từ Hoa Kỳ. Tranh chấp thương mại mới kết thúc.
Năm 2005, Trung Quốc cũng tự nguyện hạn chế xuất khẩu hàng dệt may sang Hoa Kỳ và EU để tránh một cuộc chiến thương mại không có lợi cho đôi bên.
Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng tùy thuộc vào tình hình sản xuất kinh doanh các mặt hàng trong nước, căn cứ trên nhu cầu thực tế về nền kinh tế của mỗi quốc gia sẽ lựa chọn cho mình những biện pháp hạn chế lượng hàng hóa xuất đi hoặc nhập vào trong mỗi thời kì.
Việt Nam là một nước đang phát triển, do đó, để bảo đảm nền kinh tế phát triển một cách bền vững, Nhà nước đã xây dựng các quy định chặt chẽ về xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa. Trong đó, có quy định về biện pháp hạn chế xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu trong Luật quản lý ngoại thương năm 2017.
- Biện pháp hạn chế xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu là gì?
Tại Điều 15, Luật quản lý ngoại thương đưa ra định nghĩa về hạn chế xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu như sau:
Hạn chế xuất khẩu được hiểu là “biện pháp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định áp dụng nhằm hạn chế số lượng, khối lượng, trị giá của hàng hóa xuất khẩu, cửa khẩu xuất khẩu hàng hóa, quyền xuất khẩu hàng hóa của thương nhân”(khoản 1 Điều 15).Từ định nghĩa này, chúng ta có thể hiểu rằng biện pháp này nhằm mục đích hạn chế, giảm số lượng, khối lượng, giá trị của hàng hóa từ trong nước ra nước ngoài, hạn chế quyền tự do xuất khẩu hàng hóa của thương nhân. Đây là một biện pháp mang tính quyền lực bởi chỉ có cơ quan nhà nước có thẩm quyền mới được phép áp dụng trong các trường hợp thực sự cần thiết.
Hạn chế nhập khẩu được hiểu là “là biện pháp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định áp dụng nhằm hạn chế số lượng, khối lượng, trị giá của hàng hóa nhập khẩu, cửa khẩu nhập khẩu hàng hóa, quyền nhập khẩu hàng hóa của thương nhân”. Cũng tương tự như biện pháp hạn chế cấm xuất khẩu, biện pháp hạn chế cấm nhập khẩu chỉ được áp dụng bởi chủ thể là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong các trường hợp nhất định. Khác ở chỗ, đây là biện pháp nhằm ngăn chặn, hạn chế và giảm bớt khối lượng, giá trị hàng hóa từ nước ngoài vào trong nước.
- Các trường hợp ngoại lệ.
Luật quản lý ngoại thương năm 2017 có quy định về những trường hợp ngoại lệ, cụ thể tại Điều 16 có quy định như sau:
“Điều 16. Các trường hợp ngoại lệ
- Việc xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa bị hạn chế xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu quy định tại Mục này không vì mục đích thương mại được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.
- Việc xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa bị hạn chế xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu quy định tại Mục này đối với khu vực hải quan riêng được thực hiện theo quy định tại Mục 8 Chương này.”
Từ quy định này, có thể nhận thấy có hai trường hợp ngoại lệ đối với biện pháp hạn chế xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu.
Trường hợp thứ nhất đó là hàng hóa bị áp dụng biện pháp hạn chế xuất khẩu, nhập khẩu nhưng những hàng hóa này thuộc diện xuất khẩu, nhập khẩu không vì mục đích thương mại thì sẽ không bị áp dụng biện pháp này. Có nghĩa là, những hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu vì mục đích như nhân đạo, cứu trợ, nghiên cứu khoa học… và không phát sinh mục đích thương mại trong việc xuất khẩu, nhập khẩu thì thuộc trường hợp ngoại lệ của biện pháp hạn chế xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu.
Trường hợp thứ hai đó là hàng hóa bị hạn chế xuất khẩu, nhập khẩu nhưng lại được quy định cụ thể trong mục quản lý hàng hóa đối với khu vực hải quan riêng của Luật quản lý ngoại thương. Lúc này, hàng hóa sẽ được thực hiện theo các quy định tại khu vực hải quan riêng.
Theo quy định của Luật quản lý ngoại thương, việc áp dụng biện pháp quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong khu vực hải quan riêng được quy định: “Không áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương đối với hàng hóa đưa từ nội địa vào khu vực hải quan riêng” (khoản 2 Điều 56); “Không áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương, trừ biện pháp cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu, biện pháp kiểm dịch đối với hàng hóa được đưa từ nước ngoài vào khu vực hải quan riêng”(khoản 2 Điều 57). Như vậy, các hàng hóa trong khu vực Hải quan riêng sẽ không bị áp dụng biện pháp hạn chế xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu.
Trên đây là những Quy định chung về biện pháp hạn chế xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu theo quy định của luật Quản lý ngoại thương mới, Lawkey gửi đến bạn đọc. Nếu có vấn đề gì mà Bạn đọc chưa hiểu rõ hãy lên hệ với Lawkey gặp luật sư để được giải đáp cụ thể hơn.
Án lệ số 12/2017/AL về xác định trường hợp đương sự được triệu tập hợp lệ
Án lệ số 12/2017/AL về xác định trường hợp đương sự được triệu tập hợp lệ lần thứ nhất sau khi Tòa án đã hoãn [...]
Tài sản bị chôn vùi có giá trị bao nhiêu thì cá nhân được quyền sở hữu?
Tài sản bị chôn vùi có giá trị bao nhiêu thì cá nhân được quyền sở hữu? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới [...]