Quy định đi trễ, về sớm: Kế toán, nhân sự, NLĐ cần biết
Một số quy định liên quan đến vấn đề đi trễ, về sớm theo quy định của pháp luật về lao động? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Một số vấn đề về thời giờ làm việc
Theo quy định tại Bộ luật Lao động 2019 thì thời giờ làm việc của người lao động sẽ được thể hiện rõ trong hợp đồng lao động đã giao kết và cần được quy định trong nội quy lao động của người sử dụng lao động.
Theo đó, thời giờ làm việc theo thỏa thuận của hai bên hoặc thỏa thuận thực hiện theo nội quy lao động, quy định của người sử dụng lao động, thỏa ước lao động tập thể và quy định của pháp luật.
Đối với nội quy lao động thì cần quy định thời giờ làm việc bình thường trong 01 ngày, trong 01 tuần; ca làm việc; thời điểm bắt đầu, thời điểm kết thúc ca làm việc; làm thêm giờ (nếu có); làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt…
Theo Điều 108 Bộ luật Lao động 2019 quy định thời giờ làm việc bình thường của người lao động như sau:
- Thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.
- Người sử dụng lao động có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho người lao động biết; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần. Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động.
- Người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm giới hạn thời gian làm việc tiếp xúc với yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại đúng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và pháp luật có liên quan.
Một số trường hợp người lao động có thể đi trễ, về sớm
(1) Đối với lao động nữ trong thời gian hành kinh
Căn cứ quy định tại Khoản 3 Điều 80 Nghị định 145/2020/NĐ-CP thì lao động nữ trong thời gian hành kinh có quyền được nghỉ mỗi ngày 30 phút tính vào thời giờ làm việc và vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động. Số ngày có thời gian nghỉ trong thời gian hành kinh do hai bên thỏa thuận phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ nhưng tối thiểu là 03 ngày làm việc trong một tháng; thời điểm nghỉ cụ thể của từng tháng do người lao động thông báo với người sử dụng lao động;
Trường hợp lao động nữ có yêu cầu nghỉ linh hoạt hơn so với quy định nêu trên thì hai bên thỏa thuận để được bố trí nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ;
Trường hợp lao động nữ không có nhu cầu nghỉ và được người sử dụng lao động đồng ý để người lao động làm việc thì ngoài tiền lương được hưởng theo quy định nêu trên, người lao động được trả thêm tiền lương theo công việc mà người lao động đã làm trong thời gian được nghỉ và thời gian làm việc này không tính vào thời giờ làm thêm của người lao động.
Như vậy, người lao động nữ có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động về việc có thể được đi trễ, về sớm so với giờ làm việc bình thường trong thời gian hành kinh, đảm bảo được nghỉ tối thiểu 3 ngày trong tháng, mỗi ngày 30 phút theo quy định nêu trên và được hưởng lương.
(2) Đối với lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi
Căn cứ quy định tại Khoản 4 Điều 80 Nghị định 145/2020/NĐ-CP thì lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi có quyền được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động;
Trường hợp lao động nữ có nhu cầu nghỉ linh hoạt hơn so với quy định nêu trên thì người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động để được bố trí nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ;
Trường hợp lao động nữ không có nhu cầu nghỉ và được người sử dụng lao động đồng ý để người lao động làm việc thì ngoài tiền lương được hưởng theo quy định nêu trên, người lao động được trả thêm tiền lương theo công việc mà người lao động đã làm trong thời gian được nghỉ.
Như vậy, người lao động nữ có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động về việc có thể được đi trễ, về sớm so với thời giờ làm việc bình thường trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi, đảm bảo được nghỉ mỗi ngày 60 phút theo quy định nêu trên và được hưởng lương.
(3) Các trường hợp khác theo quy định của NSDLĐ hoặc theo thỏa thuận
Ngoài 2 trường hợp nêu trên thì người lao động và người sử dụng lao động có thỏa thuận về các trường hợp khác được đi trễ, về sớm và có được hưởng lương hay không hoặc thực hiện theo nội quy lao động của người sử dụng lao động…
Đi trễ nhiều lần trong tháng có bị cắt lương không?
Căn cứ quy định tại Điều 124 và Điều 127 Bộ luật Lao động 2019 thì người sử dụng lao động chỉ được áp dụng các hình thức xử lý kỷ luật lao động quy định tại Điều 124 Bộ luật Lao động 2019 khi xử lý kỷ luật người lao động; không được phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động, đồng thời không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động hoặc không thỏa thuận trong hợp đồng lao động đã giao kết hoặc pháp luật về lao động không có quy định.
Do đó, trường hợp người lao động đi trễ nhiều lần trong tháng thì người sử dụng lao động cũng không được cắt lương.
>>Xem thêm: Công ty phá sản người lao động có được trả trợ cấp thôi việc không?
Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vấn đề gì thắc mắc, vui lòng liên hệ LawKey hoặc có thể sử dụng Luật sư tư vấn của chúng tôi.
Có phải đóng bảo hiểm xã hội cho lao động làm việc bán thời gian?
Có phải đóng bảo hiểm xã hội cho lao động làm việc bán thời gian? Đây là thắc mắc của rất nhiều bạn đoc, Bài viết [...]
Quy định về Giao kết hợp đồng đào tạo theo BLLĐ 2012
Quy định về Giao kết hợp đồng đào tạo theo BLLĐ 2012 Người sử dụng lao động được tuyển người vào học nghề, tập [...]