Công ty phá sản người lao động có được trả trợ cấp thôi việc không?
Công ty phá sản người lao động có được trả trợ cấp thôi việc không? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Công ty phá sản người lao động có được trả trợ cấp thôi việc không?
Theo khoản 2 Điều 48 Bộ luật Lao động 2019 quy định tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thôi việc và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động được ưu tiên thanh toán trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị chấm dứt hoạt động, bị giải thể, phá sản.
Đồng thời, tại khoản 1 Điều 101 Luật Phá sản 2014 quy định thứ tự phân chia tài sản khi công ty phá sản như sau:
- Chi phí phá sản;
- Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết;
- Khoản tiền gửi; khoản tiền tổ chức bảo hiểm tiền gửi phải trả cho người gửi tiền tại tổ chức tín dụng phá sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm tiền gửi và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ.
Như vậy, theo quy định nêu trên, công ty phá sản sẽ có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động.
Lưu ý: Trường hợp giá trị tài sản không đủ để thanh toán theo quy định nêu trên thì các đối tượng thuộc cùng một thứ tự ưu tiên được thanh toán theo tỷ lệ phần trăm tương ứng với số nợ.
Quy định về trợ cấp thôi việc
Theo Điều 46 Bộ luật Lao động 2019 quy định trợ cấp thôi việc được quy định như sau:
- Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 9 và 10 Điều 34 Bộ luật Lao động 2019 thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương, trừ trường hợp đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều 36 Bộ luật Lao động 2019.
- Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.
- Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động thôi việc.
Công ty không trả tiền trợ cấp thôi việc thì mức phạt như thế nào?
Tại khoản 2 Điều 12 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định doanh nghiệp không trả hoặc trả không đủ tiền trợ cấp thôi việc cho người lao động có thể bị xử phạt hành chính với mức tiền:
- Từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
- Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
- Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
- Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
- Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
Ngoài ra, buộc người sử dụng lao động trả đủ tiền trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm cho người lao động cộng với khoản tiền lãi của số tiền chưa trả tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi không trả hoặc trả không đủ tiền trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm cho người lao động quy định nêu trên.
>>Xem thêm: 06 căn cứ giải quyết tranh chấp tên miền “.vn”
Trên đây là bài viết tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vấn đề gì thắc mắc, vui lòng liên hệ LawKey hoặc có thể sử dụng dịch vụ Luật sư tư vấn của chúng tôi.
Một số vấn đề về Hội đồng trọng tài lao động
Một số vấn đề về Hội đồng trọng tài lao động Hội đồng trọng tài lao động là một trong những cơ quan có thẩm quyền [...]
Ký nhiều HĐLĐ: Đóng thuế TNCN, BHXH như thế nào?
Trong trường hợp NLĐ ký nhiều HĐLĐ với nhiều doanh nghiệp khác nhau thì theo quy định của pháp luật phải đóng thuế TNCN, [...]