Quyền hưởng dụng là gì? theo quy định của Bộ luật dân sự 2015
Quyền hưởng dụng được pháp luật dân sự quy định thuộc các quyền khác đối với tài sản. Vậy Bộ luật dân sự 2015 quy định quyền hưởng dụng là gì?
Quyền hưởng dụng là gì?
Điều 257 Bộ luật dân sự năm 2015 (BLDS) quy định khái niệm quyền hưởng dụng như sau: Quyền hưởng dụng là quyền của chủ thể được khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác trong một thời hạn nhất định.
Trong cuộc sống, có nhiều trường hợp tài sản thuộc sở hữu của một chủ thể nhưng việc hưởng lợi ích từ việc khai thác tài sản đó lại thuộc quyền của chủ thể khác.
Ví dụ: Cha mẹ muốn sang tên, chuyển quyền sở hữu nhà cho con để tránh những tranh chấp sau khi cha mẹ mất nhưng vẫn muốn được thu tiền cho thuê nhà để đảm bảo có nguồn thu nhập, sinh sống hoặc trường hợp bố mẹ ở các địa phương mua nhà cho con đi học, đi làm tại Hà Nội trao cho con toàn quyền khai thác, hưởng lợi từ căn nhà nhưng muốn giữ quyền sở hữu để kiểm soát và gìn giữ tài sản. Tuy nhiên, khi người con có quyền hưởng dụng thì có quyền cho thuê, cho phép người khác thực hiện quyền hưởng dụng đó.
BLDS quy định về quyền hưởng dụng để chủ sở hữu có thể trao cho người khác quyền hưởng dụng đối với tài sản thuộc sở hữu của mình nhưng vẫn giữ quyền sở hữu đối với tài sản. Mặt khác, người hưởng dụng cũng có quyền đối với tài sản hưởng dụng tương đối độc lập với chủ sở hữu, vì thế người hưởng dụng có thể thực hiện quyền hưởng dụng của mình một cách hiệu quả nhất.
Căn cứ phát sinh quyền hưởng dụng
Điều 258 BLDS quy định Quyền hưởng dụng được xác lập theo quy định của luật, theo thỏa thuận hoặc theo di chúc.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, quyền hưởng dụng phát sinh theo quy định của luật chưa có căn cứ trong văn bản pháp luật. Thông thường, các trường hợp phát sinh quyền hưởng dụng theo quy định của pháp luật được hình thành trên yêu cầu cần đảm bảo quyền lợi của một số chủ thể cần được bảo vệ như người già, trẻ nhỏ, người tàn tật,…
Trong các căn cứ phát sinh quyền hưởng dụng, thỏa thuận và di chúc là những căn cứ phổ biến. Theo đó, chủ sở hữu có thể bằng ý chí của mình xác lập hợp đồng với người được quyền hưởng dụng hoặc lập di chúc trao quyền sở hữu tài sản và để lại quyền hưởng dụng cho những người khác nhau được chủ sở hữu lựa chọn. Tuy nhiên, các thỏa thuận trong hợp đồng cũng có thể theo hướng chủ sở hữu chuyển giao quyền sở hữu tài sản cho người khác và giữ lại quyền hưởng dụng cho mình.
Quy định cho phép chuyển giao quyền sở hữu và quyền hưởng dụng cho những chủ thể khác nhau thông qua di chúc là một bước phát triển mới và tiến bộ của BLDS.
Xem thêm: Căn cứ xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật dân sự 2015
Hiệu lực và thời hạn của quyền hưởng dụng
Hiệu lực của quyền hưởng dụng
Quyền hưởng dụng được xác lập cho người có quyền hưởng dụng căn cứ trên thực tế họ đã nhận chuyển giao tài sản. Tức là kể từ thời điểm người này nhận chuyển giao tài sản,họ có quyền được khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức đối với tài sản đó. Tuy nhiên, nếu luật liên quan có quy định khác hoặc các bên có thỏa thuận khác, quyền hưởng dụng sẽ được xác lập theo thời điểm được luật quy định hoặc thời điểm các bên thỏa thuận mà không căn cứ vào thời điểm nhận chuyển giao tài sản.
Với tính chất tuyệt đối của một vật quyền, kể từ thời điểm quyền hưởng dụng phát sinh hiệu lực, quyền hưởng dụng sẽ được bảo vệ, tôn trọng và có giá trị đối kháng với các chủ thể khác trong xã hội.
Quyền hưởng dụng đã được xác lập có hiệu lực đối với mọi cá nhân, pháp nhân, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.
Thời hạn của quyền hưởng dụng
Thời hạn của quyền hưởng dụng do các bên thỏa thuận hoặc do luật quy định nhưng tối đa đến hết cuộc đời của người hưởng dụng đầu tiên nếu người hưởng dụng là cá nhân và đến khi pháp nhân chấm dứt tồn tại nhưng tối đa 30 năm nếu người hưởng dụng đầu tiên là pháp nhân.
Người hưởng dụng có quyền cho thuê quyền hưởng dụng trong thời hạn nêu trên.
Trường hợp một người được hưởng dụng suốt đời nhưng cho phép người khác khai thác, sử dụng đối tượng của quyền hưởng dụng thì thời hạn tối đa thực hiện quyền khai thác, sử dụng kết thúc khi người hưởng dụng đầu tiên chết
Đối với pháp nhân khi được hưởng dụng đến khi pháp nhân giải thể nhưng sau đó cho phép pháp nhân khác khai thác, sử dụng đối tượng của quyền hưởng dụng thì thời hạn tối đã mà pháp nhân thứ hai khai thác, sử dụng là không quá 30 năm tính từ thời điểm pháp nhân đầu tiên bắt đầu hưởng dụng
Chấm dứt quyền hưởng dụng
Quyền hưởng dụng chấm dứt trong trường hợp sau đây:
1. Thời hạn của quyền hưởng dụng đã hết.
2. Theo thỏa thuận của các bên.
3. Người hưởng dụng trở thành chủ sở hữu tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng.
4. Người hưởng dụng từ bỏ hoặc không thực hiện quyền hưởng dụng trong thời hạn do luật quy định.
5. Tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng không còn.
6. Theo quyết định của Tòa án.
7. Căn cứ khác theo quy định của luật.
Quyền hưởng dụng là quyền của chủ thể được khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác trong một thời hạn nhất định. Do đó, khi hết thời hạn này, quyền hưởng dụng đương nhiên chấm dứt. Tuy nhiên khi chưa hết thời hạn, quyền hưởng dụng cũng có thể chấm dứt nếu người hưởng dụng và chủ sở hữu của tài sản thỏa thuận chấm dứt hoặc nếu người hưởng dụng tự từ bỏ, không thực hiện quyền của mình. Quyền hưởng dụng là quyền đối với vật, do đó, khi tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng không còn thì quyền hưởng dụng không còn đối tượng để tác động, khai thác nên sẽ chấm dứt.
Trên thực tế, có những trường hợp người hưởng dụng được chuyển giao cả quyền sở hữu tài sản nên họ trở thành chủ sở hữu tài sản và chấm dứt tư cách người có quyền hưởng dụng đối với tài sản này. Ngoài ra, theo quyết định của tòa án hoặc các căn cứ khác theo quy định của luật thì quyền hưởng dụng cũng chấm dứt
Hoàn trả tài sản khi chấm dứt quyền hưởng dụng
Tài sản là đối tượng của quyền hưởng dụng phải được hoàn trả cho chủ sở hữu khi chấm dứt quyền hưởng dụng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
Trên đây là nội dung Quyền hưởng dụng là gì? theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 Lawkey gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Lawkey.
Xem thêm: Quyền đối với bất động sản liền kề là gì? theo quy định hiện hành
Đăng ký chào bán chứng chỉ quỹ đóng ra công chúng
Bên cạnh hai loại hình chứng khoán là cổ phiếu và trái phiếu, còn một loại hình chứng khoán phổ biến nữa là chứng [...]
Phân biệt cầm cố và thế chấp theo quy định của pháp luật dân sự
Cầm cố và thế chấp là hai trong 9 biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ được quy định tại Điều 292 Bộ luật dân [...]