Quyền nuôi con sau khi ly hôn như thế nào
Những cặp vợ chồng có con chung khi ly hôn thì việc nuôi con sẽ do người chồng hay người vợ nuôi ? Quyền nuôi con sau khi ly hôn theo quy định của pháp luật như thế nào?
Trong bài viết này, Lawkey xin gửi tới bạn đọc những quy định của pháp luật về “Quyền nuôi con sau khi ly hôn”.
1. Cơ sở pháp lý:
Luật hôn nhân và gia đình 2014.
2. Quyền nuôi con sau khi ly hôn:
Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định như sau:
“1.Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
2.Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”
2.1. Những trường hợp cha mẹ có quyền và nghĩa vụ nuôi con
– Con chưa thành niên: là con dưới 18 tuổi; chưa phát triển hoàn thiện về thể chất và tinh thần; chưa có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ pháp lý như người đã thành niên.
– Con đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Trong đó mất năng lực hành vi dân sự là người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi.
2.2. Xác định người có quyền nuôi con
– Theo thỏa thuận: vợ, chồng tự thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con và quyền, nghĩa vụ của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con.
– Không thỏa thuận được: Tòa án quyết định dựa trên lợi ích về mọi mặt của con.
Tòa án thường quyết định dựa trên một số yếu tố như: thu nhập hàng tháng, chỗ ở ổn định, môi trường sống, thời gian làm việc, lối sống hàng ngày… để quyết định xem ai sẽ là người nuôi con. Người nào có điều kiện thuận lợi hơn, đảm bảo lợi ích cho con tốt hơn thì sẽ được giao quyền nuôi con.
– Trường hợp đặc biệt:
+ Đối với con dưới 36 tháng tuổi: được giao cho mẹ trực tiếp nuôi trừ trường hợp người mẹ không có đủ điều kiện để nuôi con.
+ Đối với con từ đủ 7 tuổi trở lên: phải xem xét nguyện vọng của con. Người con sẽ quyết định muốn sống với cha hay với mẹ và được xác nhận bằng văn bản.
Trên đây là những quy định của pháp luật về quyền nuôi con sau khi ly hôn Lawkey gửi tới bạn đọc. Nếu có vấn đề gì mà Bạn đọc chưa hiểu rõ hãy liên hệ với Lawkey gặp luật sư để được giải đáp cụ thể hơn.
Xem thêm Quy định về án phí khi ly hôn
Ai được quyền nuôi con trong lúc làm thủ tục ly hôn?
Khi cha và mẹ đang trong quá trình chờ Tòa án giải quyết ly hôn, việc phân chia tài sản và quyền nuôi con vẫn chưa được [...]
Được quen người khác khi đang ly thân không?
Trong quá trình ly thân có được quen người khác không? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới đây. Ly thân được hiểu [...]