Quyền và nghĩa vụ của người khai hải quan
QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI KHAI HẢI QUAN THEO LUẬT HẢI QUAN 2014
Bất kì cá nhân, tổ chức nào khi tham gia thực hiện các thủ tục liên quan đến hải quan đều được pháp luật xác lập cho họ những quyền và nghĩa vụ nhất định. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ phân tích các quy định về quyền và nghĩa vụ của người khai hải quan theo Luật hải quan năm 2014.
1.Quyền của người khai hải quan.
Quyền theo nghĩa tiếng việt được hiểu là những việc mà một người được phép làm, không bị ai ngăn cản. Từ nghĩa này, chúng ta hiểu rằng quyền là khả năng lựa chọn, thực hiện một công việc nhất định mà pháp luật cho phép bằng ý chí của mình. Trong lĩnh vực hải quan, khi tham gia vào các thủ tục hành chính, người khai báo cũng có những quyền nhất định mà pháp luật cho phép họ thực hiện. Những quyền này được quy định tại khoản 1 Điều 18 Luật hải quan năm 2014 như sau:
– Được cơ quan hải quan cung cấp thông tin liên quan đến việc khai hải quan đối với hàng hóa, phương tiện vận tải, hướng dẫn làm thủ tục hải quan, phổ biến pháp luật về hải quan;
– Yêu cầu cơ quan hải quan xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan đối với hàng hóa khi đã cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin cho cơ quan hải quan;
– Xem trước hàng hóa, lấy mẫu hàng hóa dưới sự giám sát của công chức hải quan trước khi khai hải quan để bảo đảm việc khai hải quan được chính xác;
– Yêu cầu cơ quan hải quan kiểm tra lại thực tế hàng hóa đã kiểm tra, nếu không đồng ý với quyết định của cơ quan hải quan trong trường hợp hàng hóa chưa được thông quan;
– Sử dụng hồ sơ hải quan để thông quan hàng hóa, vận chuyển hàng hóa, thực hiện các thủ tục có liên quan với các cơ quan khác theo quy định của pháp luật;
– Khiếu nại, tố cáo hành vi trái pháp luật của cơ quan hải quan, công chức hải quan;
– Yêu cầu bồi thường thiệt hại do cơ quan hải quan, công chức hải quan gây ra theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Quyền của người khai hải quan được pháp luật quy định nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho họ. Khi tham gia khai hải quan tại các cơ quan hải quan có thẩm quyền, người khai hải quan có quyền yêu cầu công chức hải quan thực hiện các công việc nhất định mà pháp luật cho phép. Trong trường hợp công chức hải quan không thực hiện, hoặc thực hiện không đúng thì người khai hải quan thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo đối với hành vi nói trên, yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm đó gây ra đối với người khai báo hải quan.
2.Nghĩa vụ của người khai hải quan là chủ hàng hóa, chủ phương tiện vận tải.
Đối với người khai báo là chủ sở hữu của hàng hóa, chủ sở hữu của phương tiện vận tải, họ có 07 nghĩa vụ phải thực hiện. Điều này đã được quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 15 Luật hải quan như sau:
– Khai hải quan và làm thủ tục hải quan theo quy định của Luật này;
– Cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin để cơ quan hải quan thực hiện xác định trước mã số, xuất xứ, trị giá hải quan đối với hàng hóa;
– Chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự xác thực của nội dung đã khai và các chứng từ đã nộp, xuất trình; về sự thống nhất nội dung thông tin giữa hồ sơ lưu tại doanh nghiệp với hồ sơ lưu tại cơ quan hải quan;
– Thực hiện quyết định và yêu cầu của cơ quan hải quan, công chức hải quan trong việc làm thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa, phương tiện vận tải;
– Lưu giữ hồ sơ hải quan đối với hàng hóa đã được thông quan trong thời hạn 05 năm kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; lưu giữ sổ sách, chứng từ kế toán và các chứng từ khác có liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đã được thông quan trong thời hạn do pháp luật quy định; xuất trình hồ sơ, cung cấp thông tin, chứng từ liên quan khi cơ quan hải quan yêu cầu kiểm tra theo quy định tại các điều 32, 79 và 80 của Luật này;
– Bố trí người, phương tiện thực hiện các công việc liên quan để công chức hải quan kiểm tra thực tế hàng hóa, phương tiện vận tải;
– Nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật về thuế, phí, lệ phí và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Khác với quyền, nghĩa vụ là trách nhiệm đối với người khai báo là chủ sở hữu hàng hóa, chủ phương tiện vận tải. Đối với quyền, họ có thể thực hiện hoặc không thực hiện. Nhưng đối với nghĩa vụ, họ có trách nhiệm bắt buộc phải thực hiện các công việc nêu trên. Đây là trường hợp pháp luật đã liệt kê sẵn các công việc mà người khai báo là chủ sở hữu hàng hóa, chủ sở hữu phương tiện vận tải phải có trách nhiệm thực hiên theo đúng quy định của pháp luật. Trong trường hợp người khai báo là chủ sở hữu của hàng hóa, chủ sở hữu phương tiện vận tải cố tình không thực hiện nghĩa vụ của mình đối với cơ quan nhà nước, họ sẽ bị áp dụng các biện pháp chế tài thích đáng.
Trên đây là những quy định của pháp luật quyền và nghĩa vụ của người khai hải quan theo Luật hải quan. Lawkey gửi đến bạn đọc!
Xem thêm: Các hành vi cấm trong lĩnh vực hải quan
Thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh
Thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh được thực hiện theo quy định tại Điều 41 Luật xuất [...]
Thủ tục cấp lại Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động
Trường hợp nào thì doanh nghiệp được cấp lại Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động? Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp [...]