Quyền và nghĩa vụ của hai bên trong giải quyết tranh chấp lao động
QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA HAI BÊN TRONG GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP LAO ĐỘNG
Tranh chấp lao động mang lại rất nhiều phiền toái cho người sử dụng lao động và người lao động. Khi tranh chấp lao động xảy ra, cơ quan, tổ chức, cá nhân mang thẩm quyền sẽ tiến hành giải quyết trên cơ sở các biện pháp và nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động. Tuy nhiên để bảo đảm tốt nhất quyền lợi của mình, các bên trong tranh chấp cần nắm được quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của hai bên trong giải quyết tranh chấp lao động.
1. Quyền của hai bên trong giải quyết tranh chấp lao động
Theo khoản 1 Điều 196 Bộ luật lao động 2012, hai bên trong giải quyết tranh chấp lao động có những quyền sau:
– Thứ nhất, hai bên có quyền trực tiếp hoặc thông qua đại diện để tham gia vào quá trình giải quyết tranh chấp.
Người lao động và người sử dụng lao động là cá nhân có thể tự mình hoặc ủy quyền cho người khác tham gia vào quá trình giải quyết tranh chấp lao động. Người sử dụng lao động là tổ chức (ví dụ: cơ quan, doanh nghiệp…) bao giờ cũng tham gia vào quá trình giải quyết tranh chấp thông qua người đại diện (đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền). Việc tham gia của người đại diện trong quy định này nên hiểu bao gồm cả người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Đương nhiên, người đại diện cho các bên tham gia vào quá trình giải quyết tranh chấp lao động phải đáp ứng các điều kiện do pháp luật quy định như về độ tuổi, năng lực hành vi dân sự… và về thủ tục ủy quyền xác nhận người đại diện… phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
– Thứ hai, hai bên có quyền rút đơn hoặc thay đổi nội dung yêu cầu giải quyết.
Một trong những nguyên tắc quan trọng của giải quyết tranh chấp lao động là tôn trọng và bảo đảm quyền tự định đoạt của các bên tranh chấp. Nguyên tắc này được thể hiện trước hết ở việc khi các bên có yêu cầu giải quyết thì các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền mới tiến hành giải quyết và các cơ quan, tổ chức, cá nhân này chỉ được giải quyết trong phạm vi yêu cầu của các bên. Trong quá trình giải quyết tranh chấp, các bên vẫn có quyền thay đổi nội dung yêu cầu của mình, thậm chí là rút đơn yêu cầu kết thúc quá trình giải quyết tranh chấp lao động.
– Thứ ba, hai bên có quyền yêu cầu thay đổi người tiến hành giải quyết tranh chấp lao động nếu có lý do cho rằng người đó có thể không vô tư hoặc không khách quan.
Một trong những nguyên tắc, đồng thời cũng là yêu cầu của việc giải quyết tranh chấp lao động là tính vô tư và khách quan. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào người tiến hành giải quyết tranh chấp, gồm: hòa giải viên lao động, Hội đồng trọng tài lao động, chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện và tòa án nhân dân (hội đồng xét xử).
Trong đó, sự vô tư và khách quan trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động của hòa giải viên lao động và Hội đồng trọng tài lao động ít bị “đe dọa” hơn, bởi kết quả giải quyết tranh chấp do hai chủ thể này tiến hành về bản chất là do hai bên tranh chấp tự quyết định. Ngược lại, sự vô tư, khách quan trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động của chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện và hội đồng xét xử có nguy cơ bị “đe dọa” nhiều hơn, bởi vì hai chủ thể này có quyền đơn phương ra quyết định về nội dung vụ tranh chấp buộc các bên phải thi hành.
Vì vậy, việc quy định “các bên có quyền yêu cầu thay đổi người tiến hành giải quyết tranh chấp lao động nếu có lý do cho rằng người đó có thể không vô tư hoặc không khách quan” rất có ý nghĩa. Ví dụ: người lao động có quyền đề nghị thay đổi Thẩm phán chủ tọa phiên tòa nếu có căn cứ chứng minh người này là người thân thích của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là bị đơn trong vụ án lao động. Tuy nhiên, bản thân yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng cũng phải có lý do, người yêu cầu cũng phải thực sự vô tư, không sử dụng quyền năng mà pháp luật trao cho một cách vô nguyên tắc.
2.Nghĩa vụ của hai bên trong giải quyết tranh chấp lao động
Theo khoản 2 Điều 196 Bộ luật lao động 2012, hai bên trong giải quyết tranh chấp lao động có các nghĩa vụ sau:
– Thứ nhất, hai bên có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ, kịp thời tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình.
Trong giải quyết tranh chấp dân sự (theo nghĩa rộng) nói chung, giải quyết tranh chấp lao động nói riêng, nghĩa vụ chứng minh thuộc về đương sự, các cơ quan, tổ chức, cá nhân giải quyết tranh chấp chỉ tổ chức xác minh khi cần thiết. Vì vậy, để được các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thụ lý yêu cầu và giải quyết yêu cầu của mình, các bên phải cung cấp đầy đủ các tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Các tài liệu, chứng cứ này được gửi cùng với đơn yêu cầu và có thể bổ sung trong quá trình giải quyết tranh chấp (tự bổ sung hoặc thực hiện theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân giải quyết tranh chấp).
– Thứ hai, hai bên có nghĩa vụ chấp hành thoả thuận đã đạt được, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân giải quyết tranh chấp lao động.
Tùy vào từng chủ thể giải quyết tranh chấp lao động mà kết quả giải quyết được thể hiện bằng một biên bản hòa giải (hòa giải viên lao động, hội đồng hòa giải lao động cơ sở), quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên (Hội đồng trọng tài lao động, tòa án nhân dân) hoặc quyết định, bản án (chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện, tòa án nhân dân). Khi các biên bản, quyết định, bản án này có hiệu lực pháp luật, các bên tranh chấp có nghĩa vụ thi hành, vừa đảm bảo lợi ích cho các bên, vừa đảm bảo trật tự chung của xã hội. Nghĩa vụ thi hành nghiêm chỉnh kết quả giải quyết họp pháp có ý nghĩa với các bên và với xã hội. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan thì việc tự giác thi hành các biên bản hoà giải thành hoặc quyết định của Hội đồng trọng tài là không dễ dàng.
Trên đây là nội dung về quyền và nghĩa vụ của hai bên trong giải quyết tranh chấp lao động Lawkey gửi tới bạn đọc
Hành vi người sử dụng lao động không được làm
Cháu có đi làm thêm tại cửa hàng quần áo. Chị chủ sợ không quản lý được tiền và cháu không trung thực, nên yêu cầu [...]
Gián đoạn thời gian tham gia bảo hiểm y tế liên tục
Những nội dung người tham gia bảo hiểm y tế về thời gian gián đoạn, quyền lợi khi tham gia bảo hiểm y tế liên tục 05 năm [...]