Giải quyết vấn đề tai nạn lao động do người lao động khác gây ra
LawKey xin gửi đến bạn đọc những điều cần biết về việc giải quyết vấn đề tai nạn lao động do người lao động khác gây ra theo quy định pháp luật hiện hành.
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư, chị tôi trong giờ làm ca của mình do sơ xuất vì điện tối và khuất tầm nhìn đã đóng cối vò làm 1 công nhân bị tai nạn giập bàn tay phải (chị tôi làm đúng chức năng, nhiệm vụ của mình). Chị tôi đã đưa cho công nhân này 15 triệu để lo viện phí. Nhưng về phía công ty chưa đưa cho công nhân này đồng nào và còn có ý kiến là chị tôi phải chịu phần lớn. Xin hỏi công ty và chị tôi có trách nhiệm thế nào với công nhân này?
Luật sư tư vấn:
Công ty TNHH Tư vấn LawKey Việt Nam cảm ơn anh/chị đã tin tưởng khi gửi câu hỏi đến LawKey. Với thắc mắc của anh/chị, luật sư LawKey tư vấn như sau:
Thứ nhất, về điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động
Theo Điều 45 Luật vệ sinh, an toàn lao động, Người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ tai nạn lao động khi bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:
– Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật lao động và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh;
– Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động;
– Trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý;
– Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn nêu trên;
** Lưu ý: Người lao động không được hưởng chế độ do Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chi trả nếu thuộc một trong các nguyên nhân sau:
– Do mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động;
– Do người lao động cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân;
– Do sử dụng ma túy, chất gây nghiện khác trái với quy định của pháp luật.
Như vậy, trường hợp công nhân bị giập bàn tay phải ở công ty anh/chị nếu xác định được người đó bị tai nạn lao động ở nơi làm việc và có mức suy giảm từ 5% trở lên thì sẽ được hưởng chế độ tai nạn lao động.
Xem thêm: Điều kiện hưởng chế độ tại nạn lao động
Thứ hai, trách nhiệm của công ty
Theo thông tin anh/chị cung cấp thì trường hợp người công nhân bị tai nạn không do lỗi của mình cho nên công ty sẽ có trách nhiệm theo Điều 144 Bộ luật lao động 2012 như sau:
+ Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế và thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế.
+ Trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị.
+ Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định:
- Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm từ 5,0% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1,0% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;
- Ít nhất 30 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động.
Xem thêm: Trách nhiệm của người sử dụng lao động khi xảy ra tai nạn lao động
Thứ ba, trách nhiệm của chị anh/chị:
Chị của bạn có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm sức khỏe của người kia.
Theo Điều 590 Bộ luật Dân sự 2015 việc bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm như sau:
- Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;
- Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Như vậy, tùy thuộc vào mức độ lỗi, hai bên có thể thỏa thuận mức bồi thường tương ứng dựa trên các khoản thiệt hại thực tế. Nếu như hai bên không thỏa thuận được thì bên bị hại hoàn toàn có thể yêu cầu Tòa án giải quyết để tòa án xác định mức bồi thường cụ thể.
Trên đây là nội dung tư vấn về “Giải quyết vấn đề tai nạn lao động do người lao động khác gây ra” LawKey gửi đến bạn đọc, cảm ơn quý khách hàng đã sử dụng dịch vụ.
Giao kết hợp đồng lao động với người lao động có làm việc ở nơi khác
Giao kết hợp đồng lao động với người lao động đang làm việc ở nơi khác Theo quy định tại Bộ luật lao động 2012, Người [...]
Quy định về hoạt động kinh doanh cho thuê lại lao động
Quy định về hoạt động kinh doanh cho thuê lại lao động Cho thuê lại lao động là hoạt động khá phổ biến ở Việt Nam hiện [...]