Quy định pháp luật về thành viên Công ty Hợp danh
Pháp luật quy định như thế nào về thành viên Công ty hợp danh? Những lưu ý khi trở thành thành viên của công ty hợp danh.
1. Công ty hợp danh là gì?
Theo Luật Doanh nghiệp năm 2014, Công ty hợp danh là doanh nghiệp, trong đó có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (sau đây gọi là thành viên hợp danh).
Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn; Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty; Thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty.
Đặc điểm về thành viên của công ty Hợp danh là một điểm rất đặc trưng của công ty này. Công ty Hợp danh có hai loại thành viên, đó là: Thành viên hợp danh và Thành viên góp vốn.
1. Về thành viên hợp danh trong công ty hợp danh
Quy định của Luật doanh nghiệp 2014 về thành viên hợp danh trong công ty hợp danh như sau:
a) Điều kiện để trở thành thành viên hợp danh
Thành viên hợp danh là thành viên bắt buộc của Công ty hợp danh. Mỗi công ty phải có ít nhất 2 thành viên hợp danh. Bắt buộc phải là cá nhân và không thuộc các đối tượng được quy định tại Khoản 2 Điều 18 Luật Doanh nghiệp 2014 về các trường hợp Tổ chức, cá nhân sau đây không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam.
b) Về chế độ chịu trách nhiệm
Trách nhiệm tài sản của các thành viên hợp danh đối với các nghĩa vụ của công ty là trách nhiệm vô hạn và liên đới. Chủ nợ có quyền yêu cầu bất kì thành viên hợp danh nào thanh toán các khoản nợ của công ty đối với chủ nợ. Mặt khác, các thành viên hợp danh phải bằng toàn bộ tài sản của mình (tài sản đầu tư vào kinh doanh và tài sản dân sự) chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ của công ty.
c) Quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của thành viên hợp danh
Trong quá trình hoạt động, các thành viên hợp danh được hưởng những quyền cơ bản, quan trọng của công ty đồng thời phải thực hiện những nghĩa vụ tương xứng để bảo vệ quyền lợi của công ty và những người liên quan. Theo Điều 176 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định về quyền và nghĩa vụ của thành viên hợp danh, thành viên hợp danh có quyền cơ bản của một chủ sở hữu, là người đại diện theo pháp luật của công ty, có thể nhân danh công ty ký kết, thực hiện các hợp đồng mà không cần thông báo trước với các thành viên khác. Như vậy, thành viên hợp danh có quyền độc lập trong khả năng tiến hành kinh doanh.
Đồng thời thành viên hợp danh phải thực hiện nghĩa vụ và chịu các ràng buộc pháp lý nhất định. Các thành viên hợp danh không được nhân danh chính mình, tổ chức, cá nhân khác ký những hợp đồng liên quan tới lĩnh vực kinh doanh của công ty. Thành viên hợp danh muốn chuyển phần vốn góp của mình ra ngoài phải được sự đồng ý của các thành viên khác vì công ty hợp danh là công ty đối nhân, chỉ quan tâm đến yếu tố nhân thân của thành viên.
2. Về thành viên góp vốn trong công ty hợp danh
Thành viên góp vốn trong công ty hợp danh được quy định như sau:
a) Điều kiện để trở thành thành viên góp vốn
Thành viên góp vốn là thành viên không bắt buộc của Công ty Hợp danh. Có thể là tổ chức hoặc cá nhân và không thuộc các đối tượng được quy định tại Khoản 3 Điều 18 Luật Doanh nghiệp 2014 các trường hợp Tổ chức, cá nhân có không có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp vào công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh.
b) Quyền và nghĩa vụ của thành viên góp vốn
Bên cạnh những thuận lợi được hưởng từ chế độ trách nhiệm hữu hạn, thành viên góp vốn bị hạn chế những quyền cơ bản của một thành viên công ty. Thành viên góp vốn không được tham gia quản lý công ty, không được hoạt động kinh doanh nhân danh công ty.
Ngoài các đặc điểm trên thì thành viên góp vốn cũng có một số quyền và nghĩa vụ khác được quy định tại Điều 182 Luật Doanh nghiệp 2014. Quyền và nghĩa vụ của thành viên góp vốn như: quyền tham gia họp, thảo luận và biểu quyết tại Hội đồng thành viên về việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty, sửa đổi, bổ sung các quyền và nghĩa vụ của thành viên góp vốn, về tổ chức và giải thể lại công ty; được chia lợi nhuận tương ứng tỷ lệ vốn góp, quyền được cung cấp các thông tin về tình hình và kết quả kinh doanh của công ty…ngoài ra thành viên góp vốn cũng được quyền chuyển nhượng phần vốn góp của mình tại công ty cho người khác.
Trên đây là quy định về Thành viên công ty Hợp danh LawKey gửi đến bạn đọc.
Xem thêm: Quy định về thay đổi thành viên hợp danh trong Công ty hợp danh
Thay đổi, bổ sung ngành, nghề kinh doanh của Công ty hợp danh
Thay đổi, bổ sung ngành, nghề kinh doanh của Công ty hợp danh Theo quy định tại Điều 32 Luật doanh nghiệp 2014 và Điều 49 Nghị [...]
Thủ tục giải thể Công ty TNHH hai thành viên mới nhất
Theo quy định của Luật doanh nghiệp 2014 và nghị định 78/2015/NĐ-CP, Thủ tục giải thể Công ty TNHH hai thành viên được thực [...]