Khi nào thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng vô hiệu?
Theo quy định, vợ chồng có thể chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận. Tuy nhiên, việc thỏa thuận về chế độ tài sản phải đảm bảo những yêu cầu nhất định theo quy định của luật. Nếu không, việc vô hiệu văn bản thỏa thuận là có thể xảy ra.
Thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu khi nào
Luật hôn nhân và gia đình 2014 đã quy định chi tiết về các trường hợp thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị Tòa án tuyên vô hiệu. Cụ thể là khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
Không tuân thủ điều kiện có hiệu lực của giao dịch được quy định tại Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan
Xét về bản chất, thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng là một giao dịch dân sự. Do đó, văn bản thỏa thuận bị coi là vô hiệu nếu không tuân thủ các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự.
Điều 117 Bộ luật dân sự 2015 quy định về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự:
“1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội;
2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định”
Theo đó, tương ứng với mối quan hệ vợ chồng thì văn bản thỏa thuận bị coi vô hiệu khi:
- Vợ hoặc chồng chưa đủ tuổi kết hôn hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự ở thời điểm xác lập thỏa thuận.
- Tại thời điểm xác lập thỏa thuận, vợ hoặc chồng hoặc người thứ ba không tự nguyện
- Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
- Hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực, thỏa thuận phải được lập trước khi kết hôn (Theo Điều 47 Luật hôn nhân gia đình 2014).
Vi phạm một trong các quy định tại các điều 29, 30, 31 và 32 của Luật hôn nhân gia đình
Nếu nội dung của văn bản thỏa thuận vi phạm một trong những nguyên tắc quy định tại Điều 29, 30, 31, 32 Luật hôn nhân gia đình 2014.
Cụ thể, các quy định này như sau:
Điều 29. Nguyên tắc chung về chế độ tài sản của vợ chồng
- Vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập.
- Vợ, chồng có nghĩa vụ bảo đảm điều kiện để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.
- Việc thực hiện quyền, nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng mà xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, chồng, gia đình và của người khác thì phải bồi thường.
Điều 30. Quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng trong việc đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình
- Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ thực hiện giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.
- Trong trường hợp vợ chồng không có tài sản chung hoặc tài sản chung không đủ để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì vợ, chồng có nghĩa vụ đóng góp tài sản riêng theo khả năng kinh tế của mỗi bên.
Điều 31. Giao dịch liên quan đến nhà là nơi ở duy nhất của vợ chồng
Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt các giao dịch liên quan đến nhà là nơi ở duy nhất của vợ chồng phải có sự thỏa thuận của vợ chồng. Trong trường hợp nhà ở thuộc sở hữu riêng của vợ hoặc chồng thì chủ sở hữu có quyền xác lập, thực hiện, chấm dứt giao dịch liên quan đến tài sản đó nhưng phải bảo đảm chỗ ở cho vợ chồng.
Điều 32. Giao dịch với người thứ ba ngay tình liên quan đến tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán và động sản khác mà theo quy định của pháp luật không phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng
- Trong giao dịch với người thứ ba ngay tình thì vợ, chồng là người đứng tên tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán được coi là người có quyền xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản đó.
- Trong giao dịch với người thứ ba ngay tình thì vợ, chồng đang chiếm hữu động sản mà theo quy định của pháp luật không phải đăng ký quyền sở hữu được coi là người có quyền xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản đó trong trường hợp Bộ luật dân sự có quy định về việc bảo vệ người thứ ba ngay tình.
Nội dung của thỏa thuận vi phạm nghiêm trọng quyền được cấp dưỡng, quyền được thừa kế và quyền, lợi ích hợp pháp khác của cha, mẹ, con và thành viên khác của gia đình.
Quy định này góp phần ngăn chặn những thỏa thuận được vợ chồng xác lập nhằm mục đích không lành mạnh, trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ dân sự làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người có liên quan đến tài sản của vợ chồng; góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng được pháp luật công nhận của cha, mẹ, con và của các thành viên khác trong gia đình.
Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP hướng dẫn cụ thể vấn đề này. Theo đó, Nội dung của thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu do vi phạm này khi thuộc một trong các trường hợp sau:
- Trường hợp thỏa thuận đó nhằm trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình
- Để tước bỏ quyền thừa kế của những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc theo quy định của Bộ luật dân sự
- Vi phạm các quyền, lợi ích hợp pháp của cha, mẹ, con và các thành viên khác của gia đình đã được Luật hôn nhân và gia đình và pháp luật khác có liên quan quy định.
Hậu quả pháp lý khi thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng vô hiệu
Khi thỏa thuận về chế độ tài sản bị vô hiệu, thỏa thuận đó sẽ có hậu quả pháp lý như thế nào? Điều này đã được hướng dẫn cụ thể tại khoản 1, Điều 6, Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP:
“Thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng có thể bị Tòa án tuyên bố vô hiệu toàn bộ hoặc vô hiệu một phần.
a) Trường hợp thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị Tòa án tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định được áp dụng.
b) Trường hợp thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị tuyên bố vô hiệu một phần thì các nội dung không bị vô hiệu vẫn được áp dụng; đối với phần nội dung bị vô hiệu thì các quy định tương ứng về chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định được áp dụng.”
Trên đây là những giải đáp về thỏa thuận chế độ tài sản của vợ chồng. Nếu bạn muốn chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì phải chú ý những vấn đề này nếu không muốn thỏa thuận bị vô hiệu. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết của chúng tôi!
Quyền nuôi con của cha mẹ sau khi ly hôn theo quy định pháp luật
Ly hôn là phương án lựa chọn cuối cùng khi những mâu thuẫn giữa vợ chồng trở nên trầm trọng, đời sống chung không thể [...]
Cơ quan có thẩm quyền xác định cha, mẹ, con theo quy định
Bài viết dưới đây LawKey sẽ cung cấp tới bạn đọc nội dung bài viết về cơ quan có thẩm quyền xác định cha, mẹ, con theo [...]