Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân
Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân
Tranh chấp lao động mang lại nhiều phiền toái cho người sử dụng lao động và người lao động. Khi tranh chấp lao động xảy ra, hai bên luôn luôn muốn giải quyết nhanh dứt điểm khúc mắc để ổn định lại sản xuất kinh doanh cũng như là công việc mưu sinh của mình. Ngoài việc nắm rõ quyền, nghĩa vụ, trình tự thủ tục trong giải quyết tranh chấp lao động, người sử dụng lao động và người lao động nên lưu ý thêm về thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động.
1. Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động
Thời hiệu giải quyết tranh chấp lao động được hiểu là khoảng thời gian hiệu lực do pháp luật quy định mà trong khoảng thời gian đó các bên tranh chấp được quyền yêu cầu các cơ quan, tổ chức cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động. Ngoài thời gian hiệu lực đó, các bên không được quyền yêu cầu các cơ quan, tổ chức giải quyết tranh chấp. Cũng theo tinh thần đó, các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết tranh chấp được quyền từ chối, không thụ lý giải quyết tranh chấp lao động đã hết thời hiệu yêu cầu giải quyết, nếu thụ lý giải quyết thì coi như vi phạm pháp luật về giải quyết tranh chấp lao động. Các kết quả giải quyết tranh chấp lao động không có giá trị pháp lý thi hành. Tuy nhiên, pháp luật không cản trở việc các bên giải quyết tranh chấp lao động bằng các phương thức khác mặc dù đã hết thời hiệu yêu cầu giải quyết theo quy định của pháp luật.
2. Quy định pháp luật về thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân
Theo quy định của Bộ luật lao động 2012, phụ thuộc vào nội dung tranh chấp lao động mà thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân thuộc về hòa giải viên lao động hoặc tòa án nhân dân.
2.1. Thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động thực hiện hòa giải tranh chấp lao động
Căn cứ khoản 1 Điều 202 Bộ luật lao động, thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động thực hiện hòa giải tranh chấp lao động cá nhân là 06 tháng, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.
Thời điểm bắt đầu tính thời hiệu là ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm. Việc xác định chính xác thời điểm bắt đầu tính thời hiệu rất quan trọng, bởi từ đó xác định được chính xác thời điểm hết thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp, xác định được người yêu cầu còn quyền yêu cầu hay không, và cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động có thụ lý đơn yêu cầu để giải quyết hay không.
Quy định về thời điểm bắt đầu tính thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động của Bộ luật lao động 2012 đã cụ thể và hợp lý hơn so với quy định của Bộ luật lao động năm 1994. Thời điểm “Ngày phát hiện ra hành vi” (là ngày bắt đầu thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động) theo quy định tại Điều 202 Bộ luật lao động 2012 sẽ được xác định tùy vào từng vụ tranh chấp lao động cụ thể. Ví dụ: Trường hợp người lao động tự ý bỏ việc và không quay lại làm việc nữa, nếu người sử dụng lao động muốn yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp để tuyên bố người lao động đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật, buộc người lao động bồi thường và hoàn lại chi phí đào tạo, thì thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp (thời hiệu khởi kiện) trong trường hợp này sẽ được tính từ ngày người lao động bắt đầu bỏ việc.
2.2. Thời hiệu yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp lao động cá nhân
Căn cứ khoản 2 Điều 202 Bộ luật lao động 2012, thời hiệu yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 01 năm, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm
Như vậy, thời hiệu khởi kiện vụ án lao động được áp dụng theo quy định riêng tại khoản 2 Điều 202 Bộ luật lao động mà không áp dụng thời hiệu theo quy định chung của Bộ luật tố tụng dân sự.
**Lưu ý: Trường hợp trước khi yêu cầu tòa án nhân dân giải quyết, các bên đã yêu cầu hòa giải viên lao động tiến hành hòa giải thì thời hiệu khởi kiện vẫn được tính “kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm”, chứ không tính từ ngày có biên bản hòa giải không thành của hòa giải viên lao động hay từ ngày hết hạn hoahf giải mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải.
Trên đây là nội dung về thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân Lawkey gửi tới bạn đọc
Các trường hợp không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc từ 01/7/2025
Các trường hợp không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc từ 01/7/2025 được quy định trong Luật Bảo [...]
03 trường hợp doanh nghiệp không được đuổi việc NLĐ dù bất kì lý do nào
Trường hợp nào doanh nghiệp không được đuổi việc NLĐ dù NLĐ có vi phạm thuộc các trường hợp doanh nghiệp được quyền [...]