Sự khác nhau về tiền lương tối thiểu vùng và mức lương cơ sở
Sự khác nhau về tiền lương tối thiểu vùng và mức lương cơ sở
Theo quy định tại Điều 90 Bộ Luật lao động 2012, Tiền lương là khoản tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận. Tiền lương bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Mức lương của người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định.
1. Về đối tượng áp dụng :
a. Lương tối thiểu vùng:
Theo Nghị định 141/2017/NĐ-CP, Mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp
b. Lương cơ sở
Theo Nghị định 47/2017/NĐ-CP, Nghị định 72/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định 47/2017/NĐ-CP kể từ ngày 1/7/2018, mức lương cơ sở áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động (sau đây gọi chung là người hưởng lương, phụ cấp) làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội và hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động ở trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (cấp huyện), ở xã, phường, thị trấn (cấp xã), ở đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt và lực lượng vũ trang.
2. Mục đích áp dụng
a. Lương tối thiểu vùng:
Theo Nghị định 141/2017/NĐ-CP, mức lương tối thiểu vùng là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương, trong đó mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận phải bảo đảm:
– Không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc giản đơn nhất;
– Cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm công việc đòi hỏi người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề
b. Lương cơ sở:
Theo Nghị định 47/2017/NĐ-CP, Nghị định 72/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định 47/2017/NĐ-CP kể từ ngày 1/7/2018, Mức lương cơ sở dùng làm căn cứ:
– Tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng được áp dụng;
– Tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật;
– Tính các Khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.
3. Mức lương
a. Lương tối thiểu vùng:
Theo quy định tại Nghị định 141/2017/NĐ-CP, Quy định mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp như sau:
Vùng | Mức lương tối thiểu năm 2018 |
Vùng I | 3.980.000 đồng/tháng |
Vùng II | 3.530.000 đồng/ tháng |
Vùng III | 3.090.000 đồng/tháng |
Vùng IV | 2.760.000 đồng/tháng |
Khi thực hiện mức lương tối thiểu vùng quy định này, doanh nghiệp không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, làm việc trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với các chức danh nghề nặng nhọc, độc hại và các chế độ khác theo quy định cửa pháp luật lao động. Các khoản phụ cấp, bổ sung khác, trợ cấp, tiền thưởng do doanh nghiệp quy định thì thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc trong quy chế của doanh nghiệp
b. Lương cơ sở:
Theo Nghị định 47/2017/NĐ-CP, từ ngày 01 tháng 7 năm 2017, mức lương cơ sở là 1.300.000 đồng/tháng. Mức lương cơ sở được điều chỉnh trên cơ sở khả năng ngân sách nhà nước, chỉ số giá tiêu dùng và tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Nghị định 72/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định 47/2017/NĐ-CP kể từ ngày 1/7/2018, quy định từ ngày 01 tháng 7 năm 2018, mức lương cơ sở là 1.390.000 đồng/tháng.Chính phủ trình Quốc hội xem xét Điều chỉnh mức lương cơ sở phù hợp khả năng ngân sách nhà nước, chỉ số giá tiêu dùng và tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước.
4. Nguồn chi trả:
a. Lương tối thiểu vùng: Từ quỹ tiền lương của doanh nghiệp
b. Lương cơ sở: Từ Ngân sách nhà nước.
Trên đây là nội dung Sự khác nhau về tiền lương tối thiểu vùng và mức lương cơ sở LawKey gửi đến bạn đọc.
Thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của chi nhánh Công ty TNHH
Thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của chi nhánh Công ty TNHH Theo quy định tại Điều 48 Nghị định 78/2015/NĐ-CP, Khi thay [...]
Phương thức trả cổ tức bằng cổ phiếu nghĩa là gì?
Phương thức trả cổ tức bằng cổ phiếu là phương thức trả cổ tức bằng cách chia lợi nhuận sau thuế được biểu hiện [...]