Quy định về các tranh chấp lao động không phải thông qua hòa giải
Những nội dung người lao động và người sử dụng cần biết khi giải quyết tranh chấp chấp lao động. Những trường hợp giải quyết tranh chấp lao động không phải thông qua hòa giải hiện nay.
Tranh chấp lao động là gì?
Theo khoản 7 Điều 3 Bộ luật lao động 2012, Tranh chấp lao động là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ và lợi ích phát sinh giữa các bên trong quan hệ lao động.
Tranh chấp lao động sẽ xảy ra khi các bên có mâu thuẫn, xung đột về quyền, lợi ích cũng như nghĩa vụ với nhau.
Có 02 loại tranh chấp lao động đặc trưng, đó là:
– Tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động;
– Tranh chấp lao động tập thể được chia thành 02 loại:
+ Tranh chấp lao động tập thể về quyền là tranh chấp giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động phát sinh từ việc giải thích và thực hiện khác nhau quy định của pháp luật về lao động, thoả ước lao động tập thể, nội quy lao động, quy chế và thoả thuận hợp pháp khác.
+ Tranh chấp lao động tập thể về lợi ích là tranh chấp lao động phát sinh từ việc tập thể lao động yêu cầu xác lập các điều kiện lao động mới so với quy định của pháp luật về lao động, thoả ước lao động tập thể, nội quy lao động hoặc các quy chế, thoả thuận hợp pháp khác trong quá trình thương lượng giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động.
Cơ quan giải quyết tranh chấp lao động
Theo Điều 203 Bộ luật lao động 2012, cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động gồm:
– Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền bao gồm:
+ Hoà giải viên lao động;
+ Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện).
+ Toà án nhân dân.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích bao gồm:
+ Hoà giải viên lao động;
+ Hội đồng trọng tài lao động.
Các tranh chấp lao động không phải thông qua hòa giải
Theo khoản 1 Điều 201 Bộ luật lao động 2012, Tranh chấp lao động cá nhân phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu tòa án giải quyết, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:
+ Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;
+ Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;
+ Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;
+ Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.
+ Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Như vậy, đối với các tranh chấp trên, người sử dụng lao động và người lao động có thể bỏ qua thủ tục hòa giải, trực tiếp nộp đơn lên Tòa án nhân dân có thẩm quyền để được giải quyết, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Trên đây là nội dung bài viết Quy định về các tranh chấp lao động không phải thông qua hòa giải, LawKey gửi tới bạn đọc, nếu có thắc mắc liên hệ LawKey để được giải đáp.
Xem thêm: Một số vấn đề về tranh chấp lao động theo Bộ Luật lao động 2012
Thủ tục hòa giải tranh chấp lao động cá nhân
Thủ tục hòa giải tranh chấp lao động cá nhân Hòa giải trong giải quyết tranh chấp lao động đã được Bộ luật lao động [...]
Quy định về Giao kết hợp đồng đào tạo theo BLLĐ 2012
Quy định về Giao kết hợp đồng đào tạo theo BLLĐ 2012 Người sử dụng lao động được tuyển người vào học nghề, tập [...]