Được trợ cấp thôi việc khi người sử dụng lao động chấm dứt hợp đồng lao động?
Tóm tắt câu hỏi:
Em đang làm việc cho Công ty cơ điện. Em ký hợp đồng thử việc vào tháng 11/2007, từ 1/2008 em ký hợp đồng không xác định thời hạn với công ty, trong hợp đồng không có khoản nào quy định về làm việc theo dự án.
Ngày 20/05/2019 em có nhận được thư thông báo “Kết thúc hợp đồng lao động” từ Công ty, nội dung chính của thư bao gồm: Vì dự án em làm đã hoàn thành nên công ty không có nhu cầu với công việc của em nữa; Ngày cuối cùng làm việc của em sẽ là 20/06/2019.
Vậy trong trường hợp này, Công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với em là đúng hay sai? Và em có được nhận trợ cấp thôi việc không? Mức hưởng như thế nào?
Luật sư tư vấn:
Công ty TNHH Tư vấn LawKey Việt Nam cảm ơn chị đã tin tưởng khi gửi câu hỏi đến LawKey. Với thắc mắc của chị, luật sư LawKey tư vấn như sau:
Thứ nhất, về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
Theo điểm c khoản 1 Điều 38 Bộ luật lao động 2012 thì Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp vì lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật, mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc.
Theo khoản 2 Điều 12 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP hướng dẫn về lý do bất khả kháng khác thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Do địch họa, dịch bệnh;
+ Di dời hoặc thu hẹp địa điểm sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Theo đó, việc Công ty yêu cầu chấm dứt hợp đồng lao động với bạn vì lý do đã hoàn thành dự án, mà trong hợp đồng lao động như bạn trình bày thì bạn là nhân viên chính thức, không có khoản nào quy định về làm việc theo dự án. Lý do Công ty này đưa ra không thuộc trường hợp “lý do bất khả kháng” ở trên.
Xét các trường hợp còn lại mà người sử dụng lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo khoản 1 Điều 38 bao gồm Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc; bị ốm đau, tai nạn; do thiên tai, hỏa hoạn; không có mặt tại nơi làm việc. Lý do Công ty đưa ra cũng không thuộc các trường hợp này
Như vậy, Công ty đã đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật đối với bạn.
Thứ hai, về trợ cấp thôi việc
Theo khoản 1, 3, 4 Điều 42 Bộ luật lao động quy định về Nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật thì:
- Trường hợp Công ty không muốn nhận lại bạn và bạn đồng ý thì bạn được nhận trợ cấp thôi việc và ít nhất 4 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động trong đó có ít nhất 2 tháng tiền lương bồi thường và ít nhất 2 tháng tiền lương để chấm dứt hợp đồng lao động.
- Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong hợp đồng mà bạn vẫn muốn làm việc thì bạn sẽ được nhận ít nhất 2 tháng lương bồi thường đồng thời hai bên thương lượng để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.
Thứ ba, mức hưởng trợ cấp thôi việc
Trong trường hợp Công ty không muốn nhận lại bạn và bạn đồng ý thì bạn được trợ cấp thôi việc.
Theo Điều 48 Bộ luật lao động quy định thì thời gian để tính trợ cấp thôi việc của bạn là thời gian bạn làm việc thực tế tại công ty trừ đi thời gian bạn đóng bảo hiểm thất nghiệp. Thời gian bạn làm việc thực tế tại công ty từ tháng 1/2008 (theo Nghị định 148/2018/NĐ-CP thì thời gian tính trợ cấp thôi việc không bao gồm thời gian thử việc) đến ngày 20/6/2019 và bạn bắt đầu đóng bảo hiểm thất nghiệp từ tháng 1/2009 (theo Nghị định 127/2008/NĐ-CP thì khi nghỉ việc đủ điều kiện sẽ được tính hưởng trợ cấp thất nghiệp từ 1/1/2009) đến nay nên thời gian tính trợ cấp thôi việc là 1 năm (từ tháng 1/2008 đến tháng 1/2009).
Như vậy, Theo khoản 1 Điều 48 Bộ luật lao động thì mỗi năm làm việc được trợ cấp nửa tháng lương nên bạn làm việc 1 năm sẽ được trợ cấp nửa tháng tiền lương.
Xem thêm: Chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn có được trợ cấp thôi việc
Trên đây là nội dung tư vấn về Có được trợ cấp thôi việc khi người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động? do LawKey tổng hợp trên cơ sở các quy định của pháp luật tại thời điểm soạn thảo. LawKey cảm ơn quý khách hàng đã sử dụng dịch vụ.
Mức phạt người sử dụng lao động trả lương thấp hơn lương tối thiểu vùng
Người sử dụng lao động trả lương thấp hơn lương tối thiểu vùng sẽ bị xử phạt như thế nào theo quy định của pháp [...]
Kỷ luật lao động theo quy định pháp luật hiện hành
Kỷ luật lao động theo quy định pháp luật là gì? Các hình thức xử lý kỷ luật lao động. Những vấn đề cần lưu ý khi xử [...]