Hỗ trợ phí khám bệnh nghề nghiệp với người đã chuyển công việc khác
LawKey xin gửi tới bạn đọc những điều cần biết về vấn đề hỗ trợ phí khám bệnh nghề nghiệp với người đã chuyển việc khác theo quy định pháp luật hiện hành.
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư, năm 2005 tôi là công nhân khai thác đá thủ công. Từ năm 2015 tôi chuyển sang làm công việc lái xe. Nhưng đến đầu năm 2019 tôi mới phát hiện bị bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp do ảnh hưởng khi làm công nhân khai thác đá thủ công. Liệu tôi có được hỗ trợ phí khám bệnh nghề nghiệp này không? Nếu có thì được bao nhiêu và phải làm hồ sơ như thế nào? Tôi cảm ơn.
Luật sư tư vấn:
Công ty TNHH Tư vấn LawKey Việt Nam cảm ơn anh/chị đã tin tưởng khi gửi câu hỏi đến LawKey. Với thắc mắc của anh/chị, luật sư LawKey tư vấn như sau:
Thứ nhất, vấn đề hỗ trợ khám bệnh nghề nghiệp
Căn cứ Khoản 1 và Khoản 2 Điều 6 Nghị định 37/2016/NĐ-CP như sau:
“1. Đối tượng quy định tại Khoản 3 Điều 2 Nghị định này (đối tượng đóng BHXH bắt buộc) mà phát hiện bị bệnh nghề nghiệp do yếu tố tác hại của nghề cũ gây trong khoảng thời gian bảo đảm kể từ ngày nghỉ hưu, chuyển việc khác hoặc thôi việc thì được chủ động đi khám phát hiện và giám định mức suy giảm khả năng lao động do mắc bệnh nghề nghiệp.
2. Người bị bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Khoản1 Điều này được Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hỗ trợ kinh phí khám bệnh, chữa bệnh nghề nghiệp”.
Theo quy định trên thì người lao động đã chuyển công việc khác mà phát hiện bị bệnh nghề nghiệp do yếu tố tác hại của nghề cũ gây nên trong khoảng thời gian bảo đảm kể từ ngày chuyển việc khác vẫn được Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hỗ trợ kinh phí khám bệnh nghề nghiệp.
Như vậy, anh/chị cho biết khi chuyển sang làm việc công lái xe mới phát hiện bị bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp do ảnh hưởng khi làm công nhân khai thác đá thủ công. Theo đó, thời gian bảo đảm với bệnh này nếu cấp tính là 1 năm; mãn tính là 35 năm (Phụ lục 1 Thông tư 15/2016/TT-BYT). Nếu khi đi khám phát hiện bệnh nghề nghiệp anh/chị còn trong thời gian bảo đảm này thì sẽ được hỗ trợ kinh phí khám bệnh nghề nghiệp.
Thứ hai, về mức hỗ trợ kinh phí khám bệnh nghề nghiệp
Khoản 3 Điều 12 Nghị định 37/2016/NĐ-CP quy định: “Người lao động có thời gian làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp đã nghỉ hưu, thôi việc hoặc chuyển sang đơn vị khác được Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chi trả 100% mức chi khám bệnh nghề nghiệp”.
Như vậy, đối chiếu quy định trên thì trường hợp này bạn sẽ được Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chi trả 100% mức chi phí khám bệnh nghề nghiệp.
Thứ ba, hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí khám bệnh nghề nghiệp
Căn cứ Khoản 2 Điều 13 Nghị định 37/2016/NĐ-CP, hồ sơ bao gồm:
– Văn bản đề nghị hỗ trợ kinh phí khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành;
– Bản sao có chứng thực kết quả quan trắc môi trường lao động trong thời gian người lao động làm việc tại đơn vị có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp (nếu có);
– Hồ sơ xác định mắc bệnh nghề nghiệp của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nghề nghiệp đủ điều kiện;
– Bản sao chứng từ thanh toán các chi phí khám bệnh nghề nghiệp theo quy định.
Hồ sơ trên nộp tại Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.
Xem thêm: Thủ tục hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp theo pháp luật lao động
Trên đây là nội dung tư vấn về Vấn đề hỗ trợ phí khám bệnh nghề nghiệp với người đã chuyển công việc khác LawKey gửi tới bạn đọc.
Hồ sơ cần cung cấp cho cơ quan bảo hiểm để nhận chế độ thai sản
Hồ sơ cần cung cấp cho cơ quan bảo hiểm để nhận chế độ thai sản Theo quy định tại Điều 31 Luật bảo hiểm xã hội [...]
Chế độ bệnh nghề nghiệp đối với người lao động đã nghỉ hưu
Người lao động phát hiện bị bệnh nghề nghiệp khi đã nghỉ hưu vẫn có thể được hưởng chế độ theo quy định của [...]