Có phải đóng bảo hiểm cho người đang hưởng lương hưu đi làm?
Bài viết dưới đây LawKey sẽ giải đáp những thắc mắc của bạn đọc liên quan đến vấn đề đóng bảo hiểm cho người đang hưởng lương hưu đi làm.
Quy định về độ tuổi nghỉ hưu của người lao động
Theo khoản 1 Điều 187 Bộ luật lao động 2012, người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi.
Nếu người lao động tiếp tục làm việc sau độ tuổi trên bằng việc kéo dài thời hạn hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới sẽ được coi là người lao động cao tuổi theo Điều 166 Bộ luật Lao động 2012.
Người lao động cao tuổi được rút ngắn thời giờ làm việc hằng ngày hoặc được áp dụng chế độ làm việc không trọn thời gian.
Xem thêm: Độ tuổi nghỉ hưu theo quy định dự thảo Bộ luật lao động 2019
Người lao động đang hưởng lương hưu đi làm không phải đóng bảo hiểm
Theo quy định pháp luật người lao động đang hưởng lương hưu đi làm thì không phải đóng bảo hiểm như sau:
Đối với bảo hiểm y tế
Theo điểm a khoản 2 Điều 12 Luật bảo hiểm y tế 2008, sửa đổi bổ sung 2014, người hưởng lương hưu thuộc đối tượng phải tham gia bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, trong trường hợp này thì việc đóng bảo hiểm y tế cho người hưởng lương hưu sẽ do cơ quan bảo hiểm xã hội đóng.
Do đó, người đang hưởng lương hưu thuộc đối tượng phải đóng bảo hiểm y tế nhưng sẽ do cơ quan bảo hiểm xã hội đóng theo mức mà pháp luật đã quy định.
Đối với bảo hiểm xã hội
Theo điểm a,b khoản 2 Điều 1 Luật bảo hiểm xã hội 2014, Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:
– Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
– Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng.
Với quy định trên, có thể thấy, hầu hết những người làm việc theo hợp đồng lao động đều thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Tuy nhiên, theo khoản 9 điều 123 Luật bảo hiểm xã hội 2014, Người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng mà đang giao kết hợp đồng lao động thì không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Như vậy, người nghỉ hưu đang hưởng lương hưu thì không phải đóng bảo hiểm xã hội.
Đối với bảo hiểm thất nghiệp
Theo khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm 2013, Người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc như sau:
– Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn;
– Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn;
– Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.
Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 2 Điều 43 Luật Việc làm 2013 thì người lao động làm việc theo hợp đồng lao động thuộc một trong các trường hợp kể trên nhưng đang hưởng lương hưu, giúp việc gia đình thì không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Như vậy, người đang hưởng lương hưu mà đang giao kết hợp đồng lao động thì không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Trên đây là nội dung bài viết Có phải đóng bảo hiểm cho người đang hưởng lương hưu đi làm?, LawKey gửi tới bạn đọc, nếu có thắc mắc liên hệ LawKey để được giải đáp.
Doanh nghiệp chậm nộp hồ sơ có được hưởng chế độ thai sản?
Doanh nghiệp chậm nộp hồ sơ có được hưởng chế độ thai sản? Mức phạt khi doanh nghiệp chậm nộp hồ sơ hưởng chế [...]
Quy định về đối tượng và mức đóng bảo hiểm thất nghiệp
LawKey xin gửi đến bạn đọc những nội dung cần biết về đối tượng và mức đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định [...]