Rủi ro pháp lý khi đứng tên công ty hộ người khác trên giấy tờ
Đứng tên công ty hộ người khác trên giấy tờ là gì? Rủi ro pháp lý khi đứng tên công ty hộ người khác trên giấy tờ như thế nào? Cùng Lawkey tìm hiểu nội dung này qua bài viết dưới đây.
Đứng tên công ty hộ người khác là gì?
Trên thực tế, việc đứng tên công ty hộ người khác có thể hiểu là việc đứng tên người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đó trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Theo Điều 12.1 Luật Doanh nghiệp, Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Tùy thuộc vào loại hình doanh nghiệp (công ty cổ phần, công ty TNHH 1 thành viên, công ty TNHH 2 thành viên trở lên…) mà sẽ có số lượng người đại diện theo pháp luật tương ứng và kéo theo tỷ lệ rủi ro khi đứng tên đại diện pháp luật hộ.
Xem thêm: Người đại diện theo pháp luật của từng loại hình doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp 2020
Trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp
Theo Điều 13 Luật Doanh nghiệp, Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có trách nhiệm sau đây:
– Thực hiện quyền và nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp;
– Trung thành với lợi ích của doanh nghiệp; không lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh, tài sản khác của doanh nghiệp để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác;
– Thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác cho doanh nghiệp về doanh nghiệp mà mình, người có liên quan của mình làm chủ hoặc có cổ phần, phần vốn góp theo quy định của Luật này.
Lưu ý, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chịu trách nhiệm cá nhân đối với thiệt hại cho doanh nghiệp do vi phạm các trách nhiệm nêu trên.
Xem thêm: Trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật khi công ty bị thiệt hại
Rủi ro về hành vi vi phạm hành chính
Theo Điều 16 Luật Doanh nghiệp, hành vi kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và nội dung hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp là hành vi bị nghiêm cấm.
Tổ chức kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp bị phạt tiền từ 10 – 15 triệu VND và bị buộc đăng ký thay đổi và thông báo lại các thông tin doanh nghiệp đã kê khai không trung thực, không chính xác (Điều 24 Nghị định 50/2016/NĐ-CP).
Rủi ro về tài chính
Một số loại hình doanh nghiệp như doanh nghiệp tư nhân (doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp), công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên ( doanh nghiệp do một tổ chức/ một cá nhân làm chủ sở hữu và chịu trách nhiệm về các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty). Theo đó, tùy loại hình doanh nghiệp mà rủi ro tài chính có thể gặp phải là khác nhau.
Thực tế, nhiều cá nhân đứng tên công ty hộ không thực hiện nghĩa vụ góp vốn điều lệ như đã đăng ký. Trường hợp này, tổ chức bị phạt tiền từ 10 – 20 triệu VND đối với hành vi không đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh khi không góp đủ vốn Điều lệ như đã đăng ký và bị buộc đăng ký điều chỉnh vốn Điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp, cổ phần của các thành viên, cổ đông bằng số vốn đã góp đối với hành vi vi phạm.
Rủi ro về vấn đề thuế
Thực tế, không ít doanh nghiệp hiện nay không tuân thủ đầy đủ nghĩa vụ đóng thuế. Do đó, việc đứng tên hộ công ty mà không tham gia quản lý, hoạt động và kinh doanh điều hành công ty dẫn đến việc khó kiểm soát các nghĩa vụ về thuế. Trường hợp công ty có hành vi trốn thuế thì có thể bị xử phạt hành chính lên gấp 3 lần số tiền thuế trốn nộp (Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP).
Rủi ro khi công ty có tranh chấp
Theo quy định nêu trên, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp tvới tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án. Do đó, người đại diện theo pháp luật của công ty có thể phải chịu trách nhiệm đại diện cho doanh nghiệp khi giải quyết các tranh chấp phát sinh của doanh nghiệp tại Trọng tài, Tòa án tùy thuộc vào việc công ty có bao nhiêu người đại diện. Trường hợp có nhiều người đại diện theo pháp luật thì có thể ủy quyền cho người khác.
Rủi ro bị thành viên công ty khởi kiện
Theo Điều 72 Luật Doanh nghiệp, thành viên công ty có quyền tự mình hoặc nhân danh công ty khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với người đại diện theo pháp luật trong trường hợp sau:
– Không thực hiện đầy đủ các trách nhiệm theo đúng quy định và Điều lệ công ty.
– Không thực hiện, thực hiện không đầy đủ, thực hiện không kịp thời hoặc thực hiện trái với quy định của pháp luật hoặc Điều lệ công ty, nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên đối với quyền và nghĩa vụ được giao;
– Trường hợp khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty.
Trên đây là nội dung Rủi ro pháp lý khi đứng tên công ty hộ người khác trên giấy tờ Lawkey gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Lawkey.
Cung cấp thông tin cho cơ quan, tổ chức của Ngân hàng nhà nước
Ngân hàng nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin cho cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi theo quy định pháp luật. 1.Đối [...]
Quy định mang vàng khi xuất nhập cảnh
Việc mang vàng của cá nhân khi xuất nhập cảnh được quy định như thế nào? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới [...]