Khái quát quy định về hội chợ và triển lãm thương mại tại Việt Nam
Khái quát quy định về hội chợ và triển lãm thương mại tại Việt Nam
Hội chợ, triển lãm thương mại là hoạt động xúc tiến thương mại được thực hiện tập trung trong một thời gian và tại một địa điểm nhất định để thương nhân trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ nhằm mục đích thúc đẩy, tìm kiếm cơ hội giao kết hợp đồng mua bán hàng hoá, hợp đồng dịch vụ.
Khi thực hiện hoạt động hội trợ và triển lãm tại Việt Nam thương nhân nói chung và doanh nghiệp nói riêng cẩn phải biết Khái quát quy định về hội chợ và triển lãm thương mại tại Việt Nam dưới đây:
1. Sử dụng tên, chủ đề của hội chợ, triển lãm thương mại
Theo quy định tại Điều 25 Nghị định 81/2018/NĐ-CP. thay thế Nghị định 37/2006/NĐ-CP, Thương nhân, tổ chức hoạt động có liên quan đến thương mại khi tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại có quyền chọn tên, chủ đề hội chợ, triển lãm thương mại không trái pháp luật, trái với đạo đức, phong tục, tập quán, thuần phong, mỹ tục của Việt Nam.
Trường hợp tên, chủ đề của hội chợ, triển lãm thương mại sử dụng những từ ngữ để quảng bá chất lượng, danh hiệu của hàng hóa, dịch vụ hoặc uy tín, danh hiệu của thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia hội chợ triển lãm thương mại thì thương nhân, tổ chức hoạt động có liên quan đến thương mại khi tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại phải tuân thủ các quy định sau đây:
– Có bằng chứng chứng minh chất lượng, danh hiệu của hàng hóa, dịch vụ tham gia hội chợ, triển lãm thương mại phù hợp với tên, chủ đề của hội chợ, triển lãm thương mại đã đăng ký;
– Có bằng chứng chứng minh uy tín, danh hiệu của thương nhân, tổ chức hoặc cá nhân tham gia hội chợ, triển lãm thương mại phù hợp với tên, chủ đề của hội chợ, triển lãm thương mại đã đăng ký.
2. Đối tượng tổ chức, tham gia hội trợ, triển lãm thương mại
Theo quy định của Luật thương mại 2005, phạm vi tham gia, tổ chức hội trợ, triển lãm thương mại được quy định riêng đối với từng đối tượng thương nhân. cụ thể:
– Thương nhân Việt Nam, Chi nhánh của thương nhân Việt Nam, Chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam có quyền trực tiếp tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm thương mại về hàng hóa, dịch vụ mà mình kinh doanh hoặc thuê thương nhân kinh doanh dịch vụ hội chợ, triển lãm thương mại thực hiện.
– Văn phòng đại diện của thương nhân không được trực tiếp tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm thương mại. Trong trường hợp được thương nhân ủy quyền, Văn phòng đại diện có quyền ký hợp đồng với thương nhân kinh doanh dịch vụ hội chợ, triển lãm thương mại để tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm thương mại cho thương nhân mà mình đại diện.
– Thương nhân nước ngoài có quyền trực tiếp tham gia hoặc thuê thương nhân kinh doanh dịch vụ hội chợ, triển lãm thương mại Việt Nam thay mặt mình tham gia hội chợ, triển lãm thương mại tại Việt Nam. Trong trường hợp muốn tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại tại Việt Nam thì thương nhân nước ngoài phải thuê thương nhân kinh doanh dịch vụ hội chợ, triển lãm thương mại Việt Nam thực hiện.
3. Hàng hoá, dịch vụ trưng bày, giới thiệu tại hội chợ, triển lãm thương mại
a) Hàng hoá, dịch vụ không được phép tham gia hội chợ, triển lãm thương mại bao gồm:
– Hàng hóa, dịch vụ thuộc diện cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh, chưa được phép lưu thông theo quy định của pháp luật;
– Hàng hóa, dịch vụ do thương nhân ở nước ngoài cung ứng thuộc diện cấm nhập khẩu theo quy định của pháp luật;
– Hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, trừ trường hợp trưng bày, giới thiệu để so sánh với hàng thật. Hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ khi được trưng bày phải niêm yết rõ hàng hóa đó là hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Việc tổ chức trưng bày hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại hội chợ, triển lãm thương mại phải được nêu rõ trong nội dung đăng ký.
Ngoài việc tuân thủ các quy định về hội chợ, triển lãm thương mại của Luật thương mại, hàng hóa, dịch vụ thuộc diện quản lý chuyên ngành phải tuân thủ các quy định về quản lý chuyên ngành đối với hàng hoá, dịch vụ đó.
b) Quyền tạm nhập tái xuất: Thương nhân được tạm nhập khẩu hàng hóa để tham gia hội chợ, triển lãm thương mại tại Việt Nam phải được tái xuất khẩu trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày kết thúc hội chợ, triển lãm thương mại.
Việc tạm nhập, tái xuất hàng hóa tham gia hội chợ, triển lãm thương mại tại Việt Nam phải tuân theo các quy định của pháp luật về hải quan và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
4. Việc tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại phải được đăng ký với cơ quan có thẩm quyền
Hội chợ, triển lãm thương mại tổ chức tại Việt Nam phải được đăng ký và phải được xác nhận bằng văn bản của Sở công thương nơi tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại.
a. Thời hạn đăng ký (căn cứ theo ngày nhận ghi trên vận đơn bưu điện hoặc các hình thức có giá trị tương đương trong trường hợp gửi qua đường bưu điện, căn cứ theo ngày ghi trên giấy tiếp nhận hồ sơ trong trường hợp nộp trực tiếp hoặc căn cứ theo ngày ghi nhận trên hệ thống trong trường hợp nộp qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến): Tối đa (sớm nhất) 365 ngày và tối thiểu (chậm nhất) 30 ngày trước ngày khai mạc đối với hội chợ, triển lãm thương mại
b. Hồ sơ đăng ký tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại bao gồm:
– 01 Đăng ký tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại theo Mẫu số 10 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 81/2018/NĐ-CP. thay thế Nghị định 37/2006/NĐ-CP.;
– 01 Bản sao không cần chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định thành lập hoặc các quyết định khác có giá trị pháp lý tương đương theo quy định của pháp luật;
Trên đây là nội dung Khái quát quy định về hội chợ và triển lãm thương mại tại Việt Nam LawKey gửi đến bạn đọc.
Tạm ngừng và chấm dứt kinh doanh dịch vụ kiểm toán
Luật kiểm toán độc lập 2011 có quy định về các trường hợp tạm ngừng và chấm dứt kinh doanh dịch vụ kiểm toán. Cụ [...]
Phạm vi áp dụng chào hàng cạnh tranh theo quy định hiện nay
Chào hàng cạnh tranh là một trong những hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà thầu tư theo quy định của pháp luật về đấu [...]