Lao động nữ mang thai được hưởng chế độ bảo vệ gì
LAO ĐỘNG NỮ MANG THAI ĐƯỢC HƯỞNG CHẾ ĐỘ BẢO VỆ GÌ
Lao động nữ khi mang thai gặp phải rất nhiều vấn đề về sức khỏe và tâm sinh lý. Do đó, để bảo vệ thiên chức làm mẹ của người phụ nữ, Bộ luật lao động 2012 quy định người lao động nữ mang thai được hưởng nhiều quyền lợi ưu tiên hơn các đối tượng khác.
1. Lao động nữ mang thai được áp dụng chế độ bảo vệ thai sản
- Người sử dụng lao động không được sử dụng lao động nữ làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong các trường hợp mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo;
- Lao động nữ làm công việc nặng nhọc khi mang thai từ tháng thứ 07, được chuyển làm công việc nhẹ hơn hoặc được giảm bớt 1 giờ làm việc hằng ngày mà vẫn hưởng đủ lương. Những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đã được pháp luật quy định cụ thể trong phụ lục thông tư 36/2012/TT-BLĐTBXH.
- Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì mang thai, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động.
- Trong thời gian mang thai, nghỉ hưởng chế độ khi sinh con theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, lao động nữ không bị xử lý kỷ luật lao động
Xem thêm: Lao động nữ mang thai được quy định nhiều ưu đãi trong môi trường làm việc
2. Trong thời kì mang thai, lao động nữ có quyền đơn phương chấm dứt, tạm hoãn hợp đồng lao động.
Quyền đơn phương chấm dứt, tạm hoãn hợp đồng lao động của lao động nữ trong thời kỳ mang thai được quy định tại Điều 156 BLLĐ và điều 8 Nghị định 85/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số Điều của BLLĐ về chính sách với lao động nữ .
Theo đó, lao động nữ mang thai nếu có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi thì có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động, kèm theo ý kiến đề nghị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi.
Thời hạn báo trước để đơn phương chấm dứt, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động theo thời hạn mà cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chỉ định.
Trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thời gian tạm hoãn do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động, nhưng tối thiểu phải bằng thời gian do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chỉ định tạm nghỉ. Trường hợp không có chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về thời gian tạm nghỉ thì hai bên thỏa thuận về thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.
Người lao động chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp này là đơn phương chấm dứt hợp đồng đúng pháp luật nên vẫn được hưởng đầy đủ các khoản lương và trợ cấp theo quy định của pháp luật.
3. Được ưu tiên không bị xử lý kỷ luật lao động trong thời kỳ mang thai.
Trong thời kỳ mang thai lao động nữ được ưu tiên không bị xử lý kỷ luật (Quy định tại điển d khoản 4 Điều 123 BLLĐ 2012). Tuy nhiên, khi hết thời kỳ mang thai, nghỉ thai sản và nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi mà chưa hết thời hiệu xử lý kỷ luật lao động, lao động nữ vẫn có thể bị xử lý kỷ luật lao động.
Xem thêm: Chấm dứt hợp đồng lao động với Lao động nữ mang thai là trái luật
4. Được hưởng chế độ khám thai
Theo Điều 32 Luật bảo hiểm xã hội 2014, lao động nữ được nghỉ việc đi khám thai 5 lần trong thời kỳ mang thai, mỗi lần 1 ngày, trong trường hợp ở xa cơ sở y tế hoặc người mang thai có bệnh ký hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 2 ngày cho mỗi lần khám thai, không bao gồm ngày nghỉ lễ Tết, nghỉ hàng tuần.
Thời gian nghỉ việc khi khám thai, lao động nữ được hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội (Điều 159 BLL Đ 2012).
Mức trợ cấp bảo hiểm xã hội đối với lao động nữ nghỉ đi khám thai tính theo ngày bằng mức hưởng chế độ thai sản theo tháng chia cho 24 ngày (quy định tại Điều 39 Luật bảo hiểm xã hội 2014). Trong đó mức hưởng chế độ thai sản được tính bằng 100% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH của 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc. Nếu đóng BHXH chưa đủ 6 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản là mức bình quân tiền lương, tiền công của các tháng đã đóng BHXH.
5. Có quyền nghỉ thai sản trước khi sinh
Để chuẩn bị tốt nhất cho việc sinh con và nuôi con, pháp luật cho phép người lao động nữ được nghỉ thai sản theo điều 157 Bộ luật lao động 2012. Theo đó, lao động nữ sẽ được nghỉ trước và sau sinh con là 06 tháng. Thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng. Như vậy, lao động nữ mang thai có quyền nghỉ trước 02 tháng trước khi sinh, thời gian này được khấu trừ vào thời gian nghỉ thai sản.
Xem thêm: Điều kiện hưởng chế độ thai sản của lao động nữ tại doanh nghiệp
Chế độ thai sản của lao động nữ khi sinh con
Trên đây là quy định của pháp luật đối với lao động nữ trong thời kỳ mang thai được Lawkey tổng hợp và gửi đến bạn đọc.
Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động và chế độ được hưởng
Người lao động bị tai nạn lao động suy giảm 9% khả năng lao động đủ Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động, [...]
02 trường hợp công ty bắt buộc phải tăng lương cho NLĐ
Trường hợp nào công ty bắt buộc phải tăng lương cho người lao động? Công ty không tăng lương theo thỏa thuận thì xử lý thế [...]