Ly hôn giả tạo theo quy định của pháp luật hiện hành
Ly hôn giả tạo theo quy định pháp luật là gì? Những vấn đề liên quan đến ly hôn giả tạo theo quy định pháp luật.
Ly hôn giả tạo là gì?
Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định, Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Theo đó, ly hôn là việc chấm dứt quan hệ hôn nhân khi tình trạng gia đình trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được. Tòa án căn cứ vào tình trạng của hôn nhân, mục đích của nó đã đến mức trầm trọng hay chưa để có thể ra phán quyết chấp nhân cho ly hôn hay không, trừ trường hợp thuận tình ly hôn.
Tuy nhiên, trên thực tế có những trường hợp ly hôn không phải vì tình trạng hôn nhân trầm trọng, không thể kéo dài mà vì mục đích khác. Đó chính là ly hôn giả tạo. Theo khoản 15 Điều 5 Luật hôn nhân và gia đình 2014, Ly hôn giả tạo là việc lợi dụng ly hôn để trốn tránh nghĩa vụ tài sản, vi phạm chính sách, pháp luật về dân số hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích chấm dứt hôn nhân.
Mục đích của ly hôn giả tạo
Ly hôn giả tạo thực chất là việc lợi dụng ly hôn nhằm mục đích:
– Trốn tránh nghĩa vụ về tài sản.
Ví dụ: Vợ chồng thỏa thuận ly hôn giả tạo để chia tài sản nhưng toàn bộ tài sản của một bên đều chuyển giao hết cho bên kia nhằm trốn tránh nghĩa vụ trả nợ.
– Vi phạm chính sách, pháp luật về dân số: Vợ, chồng tiến hành ly hôn giả tạo để sinh con thứ ba.
– Ly hôn giả tạo để đạt mục đích khác mà không nhằm chấm dứt hôn nhân: Đó là trường hợp vợ, chồng lợi dụng việc ly hôn nhằm mục đích xuất, nhập cảnh, xuất khẩu lao động.
Ly hôn giả tạo được xem là hành vi trái pháp luật và được xem là hành vi bị cấm theo điểm a khoản 2 Điều 5 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 về bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình quy định cấm hành vi “kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo”.
Xử lý ly hôn giả tạo
Ly hôn giả tạo là hành vi bị pháp luật cấm và sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật. Khoản 2 Điều 48 của Nghị định 67/2015/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 110/2013/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi ly hôn giả tạo như sau:
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Lợi dụng việc ly hôn để trốn tránh nghĩa vụ tài sản, vi phạm chính sách, pháp luật về dân số hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích chấm dứt hôn nhân;
b) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người có cùng dòng máu về trực hệ.
Như vậy, ly hôn giả tạo có thể bị xử lý vi phạm hành chính với mức phạt tiền là từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, tùy vào mức độ nghiêm trọng của hành vi và hậu quả của hành vi đó.
Trên đây là nội dung bài viết Ly hôn giả tạo theo quy định pháp luật hiện hành LawKey gửi đến bạn đọc, nếu có thắc mắc liên hệ LawKey để được giải đáp.
Chấm dứt hôn nhân do vợ hoặc chồng chết theo quy định hiện nay
Quan hệ hôn nhân của vợ chồng có thể chấm dứt theo nhiều căn cứ khác nhau. Và một trong số đó là chấm dứt hôn nhân [...]
Quyền nuôi con sau khi ly hôn như thế nào
Những cặp vợ chồng có con chung khi ly hôn thì việc nuôi con sẽ do người chồng hay người vợ nuôi ? Quyền nuôi con sau khi ly hôn [...]