Người lao động nghỉ việc tự chốt sổ bảo hiểm xã hội được không?
Người lao động khi chấm dứt quan hệ lao động với người sử dụng lao động có thể tự chốt sổ bảo hiểm xã hội được không? bài viết dưới đây LawKey sec giải đáp nội dung này.
Chốt sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động là gì?
Theo khoản 1 Điều 96 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, sổ bảo hiểm xã hội được cấp cho từng người lao động để theo dõi việc đóng, hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội là cơ sở để giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật này.
Chốt sổ bảo hiểm xã hội là ghi quá trình đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp trên sổ bảo hiểm xã hội của người tham gia dừng đóng bảo hiểm xã hội tại một đơn vị. Việc này được thực hiện khi người lao động không còn làm việc ở công ty, khi lao động nghỉ việc hoặc khi công ty ngừng hoạt động.
Người lao động không thể tự chốt sổ bảo hiểm xã hội khi nghỉ việc
Theo khoản 3 Điều 47 Bộ luật lao động 2012, Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động.
Đồng thời, khoản 5 Điều 21 Luật bảo hiểm xã hội 2014 nêu rõ: Người sử dụng lao động có trách nhiệm phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật.
Như vậy, trách nhiệm chốt sổ BHXH thuộc về người sử dụng lao động, người lao động không thể tự chốt sổ cho mình.
Thủ tục chốt sổ bảo hiểm xã hội
Theo Điều 23 Quyết định 595/QĐ-BHXH, thủ tục chốt sổ bảo hiểm xã hội được thực hiện như sau:
Bước 1: Báo giảm lao động
Để chốt sổ BHXH cho người lao động doanh nghiệp trước hết cần làm thủ tục báo giảm lao động tham gia bảo hiểm xã hội.
– Danh sách lao động tham gia BHXH, BHYT (mẫu D02-TS);
– Biên bản trả thẻ BHYT đối với trường hơp đơn vị đã nộp trước đó (nếu có);
– Thẻ BHYT còn thời hạn sử dụng (01 bản/người);
– Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động;
Doanh nghiệp hoàn thiện các hồ sơ trên rồi gửi cho cơ quan BHXH quản lý.
Bước 2: Chốt sổ BHXH
Khi người lao động nghỉ việc tại công ty thì người sử dụng lao động (doanh nghiệp) phải tiến hành thủ tục chốt sổ cho người lao động tại công ty. Thủ tục, hồ sơ chốt sổ bhxh bao gồm:
– Tờ khai đơn vị tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (theo mẫu);
– Danh sách lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN (theo mẫu D02-TS);
– Bảng kê thông tin (theo mẫu D01-TS);
– Sổ BHXH (mẫu sổ cũ, 01 sổ/người) hoặc tờ bìa sổ BHXH (sổ mẫu mới, 01 tờ);
– Các tờ rơi của sổ bảo hiểm xã hội thuộc bản chính của sổ bảo hiểm xã hội;
– 01 công văn chốt sổ của đơn vị – mẫu D01b-TS;
– Quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc Quyết định chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp (nếu có).
Doanh nghiệp hoàn tất các hồ sơ trên rồi gửi cho cơ quan BHXH quản lý.
Thời gian chốt sổ bảo hiểm xã hội
Theo khoản 2 Điều 47 Bộ luật lao động 2012, trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động thì công ty có trách nhiệm trả sổ bảo hiểm xã hội, trong trường hợp đặc biệt có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.
Đối với trường hợp, nếu như quá thời hạn chốt và trả sổ bảo hiểm, người lao động có quyền đề nghị Phòng Lao động Thương binh và Xã hội quận/huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở hoặc Thanh tra Sở Lao động Thương binh và Xã hội xem xét lại quyết định, hành vi của cơ quan, tổ chức, cá nhân khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Trên đây là nội dung bài viết Người lao động nghỉ việc tự chốt sổ bảo hiểm xã hội được không?, LawKey gửi tới bạn đọc, nếu có thắc mắc liên hệ LawKey để được giải đáp.
Thống kê, báo cáo tai nạn lao động của doanh nghiệp hiện nay
Hiện nay, việc thống kê, báo cáo tai nạn lao động của doanh nghiệp theo quy định tại Luật An toàn vệ sinh lao động như [...]
Quy định tính thuế TNCN đối với hoạt động cho thuê lại lao động
Hiện nay, việc tính thu nhập chịu thuế TNCN đối với hoạt động cho thuê lại lao động được quy định thế nào? Hãy cùng [...]