Hợp đồng dân sự được xác lập phải tuân theo các điều kiện nhất định theo quy định pháp luật. Nếu không tuân thủ thì sẽ vô hiệu. Vậy theo quy định pháp luật có những điều kiện để hợp đồng dân sự có hiệu lực nào?
Sau đây, Chìa khóa pháp luật xin chia sẻ cho các bạn một số kiến thức về điều kiện để hợp đồng dân sự có hiệu lực thông qua bài viết sau.
Hợp đồng dân sự có hiệu lực theo quy định của pháp luật hiện hành cần đáp ứng các điều kiện sau:
1) Chủ thể tham gia hợp đồng phải có năng lực hành vi, năng lực pháp luật dân sự
Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân có được kể từ khi sinh ra đến khi chết đi. Nội dung năng lực pháp luật dân sự được quy định tại điều 17 của Bộ luật Dân sự 2015. Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự. Năng lực hành vi dân sự để tham gia xác lập, thực hiện hợp đồng của các chủ thể khác nhau là không giống nhau.
– Đối với cá nhân:
Tư cách chủ thể của cá nhân khi tham gia vào hợp đồng phụ thuộc vào mức độ năng lực hành vi dân sự của họ. Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì được tự mình xác lập, thực hiện các hợp đồng dân sự (Điều 20);
+ Người chưa thành niên từ đủ 6 tuổi đến dưới 18 tuổi là người có một phần năng lực hành vi dân sự thì việc xác lập, thực hiện các hợp đồng của họ phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi hoặc pháp luật có quy định khác;
+ Cá nhân từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có tài sản riêng bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thì có thể tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
+ Người dưới 6 tuổi là người không có năng lực hành vi dân sự và mọi giao dịch liên quan tới người này đều phải được xác lập, thực hiện thông qua người đại diện hợp pháp;
+ Người bị tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự thì phải có người giám hộ và mọi giao dịch liên quan đều phải được xác lập, thực hiện thông qua người giám hộ; người bị tòa án tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự thì các giao dịch liên quan tới tài sản của họ phải được sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ các giao dịch phục vụ nhu cầu hàng ngày.
– Đối với pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác:
Pháp nhân là những tổ chức có đủ các điều kiện được quy định tại Điều 74 của Bộ luật Dân sự 2015. Năng lực hành vi và năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân xuất hiện kể từ khi pháp nhân đó được thành lập hợp pháp. Hộ gia đình và tổ hợp tác, hai loại chủ thể này tham gia các giao dịch phù hợp với phạm vi hoạt động của nó. Pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác là những thực thể xã hội, nên năng lực hành vi dân sự của các chủ thể này không biểu hiện trực tiếp bằng hành vi và chí của một con người cụ thể nào đó, mà được thể hiện bởi ý chung của các thành viên và được thực hiện thông qua hành vi của người đại diện.
Nhìn chung, để có thể xác lập, thực hiện các hợp đồng, chủ thể là cá nhân phải có, năng lực pháp luật năng lực hành vi dân sự thích ứng với loại giao dịch hoặc loại hợp đồng mà chủ thể đó tham gia. Pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác xác lập, thực hiện hợp đồng thông qua người đại diện hợp pháp, phải đúng phạm vi đại diện và phải phù hợp với giới hạn về lĩnh vực hoạt động của các chủ thể.
Xem thêm:Phân tích các điều kiện của pháp nhân theo quy định của pháp luật
2) Mục đích, nội dung của hợp đồng không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội
BLDS 2015 thừa nhận, tôn trọng sự tự do cam kết, thỏa thuận. Nhưng để bảo vệ lợi ích của nhà nước, của công cộng, cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, BLDS 2015 cũng qui định một số trường hợp hạn chế quyền tự do của các bên trong việc thiết lập hợp đồng. Theo đó, nội dung và mục đích của hợp đồng (giao dịch dân sự) “không được vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội”. Nếu vi phạm, hợp đồng sẽ vô hiệu (Điều 123).
3) Các bên hoàn toàn tự nguyện trong việc giao kết, xác lập hợp đồng
Một trong những điều kiện để hợp đồng dân sự có hiệu lực tiếp theo là sự tự nguyện của các bên tham gia. Tự nguyện xác lập, thực hiện hợp đồng là việc chủ thể tự mình quyết định là có tham gia hay không tham gia vào hợp đồng theo nguyện vọng của cá nhân mình, mà không chịu sự chi phối hay sự tác động, can thiệp chủ quan nào từ những người khác.
Theo quan điểm của Toà án nhân dân tối cao thì “người tham gia giao dịch (hợp đồng) hoàn toàn tự nguyện được hiểu là: các bên tham gia giao dịch hoàn toàn tự do bày tỏ ý chí, nguyện vọng của mình, tự nguyện thoả thuận với nhau về các nội dung của giao dịch mà không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép từ phía bên kia hoặc của người khác; các bên tự nguyện thoả thuận các vấn đề nhằm làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình”.
Theo quy định của BLDS 2015, hợp đồng bị coi là được xác lập thiếu yếu tố tự nguyện nếu thuộc một trong năm trường hợp sau đây:
– Hợp đồng giả tạo (Điều 124):
Là hợp đồng được lập ra nhưng không phản ánh đúng bản chất của quan hệ đích thực giữa các bên, thể hiện ở việc các bên xác lập hợp đồng để che đậy một giao dịch khác hay một hành vi trái pháp luật của một hoặc các bên.
– Hợp đồng được xác lập do nhầm lẫn (Điều 126):
Đó là việc một hoặc các bên hình dung sai về sự việc, chủ thể, đối tượng hoặc các nội dung của hợp đồng nên đã xác lập hợp đồng trái với ý nguyện đích thực của mình. Ví dụ: người mua bảo hiểm tưởng là khi mua bảo hiểm thì được hưởng tiền bảo hiểm trong mọi trường hợp có rủi ro, nhưng thực tế là điều khoản bảo hiểm đã có những loại trừ nên một số loại rủi ro sẽ không được bảo hiểm. Pháp luật Việt Nam chỉ chấp nhận hợp đồng vô hiệu do nhầm lẫn về nội dung của hợp đồng.
– Hợp đồng xác lập do bị lừa dối (Điều 127):
Lừa dối trong giao dịch là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó. Biểu hiện của sự lừa dối là hành vi cố ý cung cấp thông tin sai sự thật khiến cho bên kia tin vào các thông tin đó mà xác lập hợp đồng bất lợi cho họ hoặc trái với nguyện vọng đích thực của họ.
– Hợp đồng xác lập bởi sự đe dọa (Điều 127):
Đe dọa trong giao dịch là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của cha, mẹ, vợ, chồng, con của mình. Sự đe dọa thường được hiểu là việc một bên cố ý gây ra sự sợ hãi cho bên kia bằng hành vi bạo lực vật chất hoặc sự khủng bố tinh thần, làm bên kia tê liệt ý chí hoặc làm mất khả năng kháng cự nên đã xác lập hợp đồng trái với nguyện vọng đích thực của họ.
– Xác lập hợp đồng trong lúc không nhận thức, điều khiển được hành vi của mình (Điều 128):
Người có năng lực hành vi dân sự nhưng đã xác lập giao dịch vào đúng thời điểm không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình thì có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu. Một người bình thường, vào thời điểm giao kết hợp đồng, đã ở trong tình trạng bị bệnh tâm thần, bệnh thần kinh tới mức không nhận thức, điều khiển được hành vi của mình hoặc đang sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích khác dẫn đến việc mất khả năng nhận thức tạm thời… thì được xem là không tự nguyện xác lập, giao kết hợp đồng.
Tự nguyện giao kết hợp đồng là điều kiện cơ bản để các bên xác lập quan hệ hợp đồng vì bản chất của hợp đồng vốn là sự thống nhất ý chí của các bên thông qua sự thỏa thuận tự do và tự nguyện. Do vậy, hợp đồng xác lập thiếu yếu tố tự nguyện thì đương nhiên vô hiệu (nếu được xác lập do giả tạo) hoặc có thể bị vô hiệu (trong các trường hợp còn lại).
Xem thêm: Hợp đồng dân sự vô hiệu theo quy định pháp luật hiện hành
4) Hình thức hợp đồng – điều kiện để hợp đồng dân sự có hiệu lực trong trường hợp pháp luật có quy định
Hình thức của hợp đồng là một trong những điều kiện để hợp đồng dân sự có hiệu lực. Theo quy định pháp luật dân sự hiện hành, hợp đồng có các hình thức sau: bằng lời nói, bằng văn bản. Các bên thỏa thuận lựa chọn hình thức của hợp đồng. Đối với hình thức bằng văn bản, có thể có công chứng, chứng thực hoặc không. Đối với một số loại hợp đồng theo quy định pháp luật bắt buộc phải lập thành văn bản, có công chứng.
Trên đây là bài viết giới thiệu cho bạn đọc về điều kiện để hợp đồng dân sự có hiệu lực.
Xem thêm: Hợp đồng dân sự có hình thức và có hiệu lực khi nào?