Quy định về tính pháp lý của hợp đồng xây dựng
Pháp luật hiện hành quy định về tính pháp lý của hợp đồng xây dựng như thế nào? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Hợp đồng xây dựng là gì?
Theo quy định tại Nghị định 37/2015/NĐ-CP thì có thể hiểu hợp đồng xây dựng là hợp đồng dân sự được thỏa thuận bằng văn bản giữa bên giao thầu và bên nhận thầu để thực hiện một phần hay toàn bộ công việc trong hoạt động đầu tư xây dựng.
Nguyên tắc ký kết hợp đồng xây dựng
Căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 138 Luật Xây dựng 2014, Điều 4 Nghị định 37/2015/NĐ-CP và Khoản 3 Điều 1 Nghị định 50/2021/NĐ-CP thì việc ký kết hợp đồng xây dựng phải đảm bảo các nguyên tắc sau:
(1) Tự nguyện, bình đẳng, hợp tác, không trái pháp luật và đạo đức xã hội;
(2) Bảo đảm có đủ vốn để thanh toán theo thỏa thuận của hợp đồng;
(3) Đã hoàn thành việc lựa chọn nhà thầu và kết thúc quá trình đàm phán hợp đồng;
(4) Trường hợp bên nhận thầu là liên danh nhà thầu thì phải có thỏa thuận liên danh. Các thành viên trong liên danh phải ký tên, đóng dấu (nếu có) vào hợp đồng xây dựng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác
(5) Tại thời điểm ký kết hợp đồng bên nhận thầu phải đáp ứng điều kiện năng lực hành nghề, năng lực hoạt động theo quy định của pháp luật về xây dựng. Đối với nhà thầu liên danh, việc phân chia khối lượng công việc trong thỏa thuận liên danh phải phù hợp với năng lực hoạt động của từng thành viên trong liên danh. Đối với nhà thầu chính nước ngoài, phải có cam kết thuê thầu phụ trong nước thực hiện các công việc của hợp đồng dự kiến giao thầu phụ khi các nhà thầu trong nước đáp ứng được yêu cầu của gói thầu.
(6) Chủ đầu tư hoặc đại diện của chủ đầu tư được ký hợp đồng với một hay nhiều nhà thầu chính để thực hiện công việc. Trường hợp chủ đầu tư ký hợp đồng với nhiều nhà thầu chính thì nội dung của các hợp đồng này phải bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong quá trình thực hiện các công việc của hợp đồng để bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả đầu tư của dự án đầu tư xây dựng.
(7) Tổng thầu, nhà thầu chính được ký hợp đồng với một hoặc một số nhà thầu phụ, nhưng các nhà thầu phụ này phải được chủ đầu tư chấp thuận, các hợp đồng thầu phụ này phải thống nhất, đồng bộ với hợp đồng thầu chính đã ký với chủ đầu tư. Tổng thầu, nhà thầu chính phải chịu trách nhiệm với chủ đầu tư về tiến độ, chất lượng các công việc đã ký kết, kể cả các công việc do nhà thầu phụ thực hiện.
(8) Giá ký kết hợp đồng không được vượt giá trúng thầu hoặc kết quả đàm phán, thương thảo hợp đồng xây dựng, trừ khối lượng phát sinh ngoài phạm vi công việc của gói thầu được Người có thẩm quyền quyết định đầu tư cho phép.
(9) Trước khi ký kết hợp đồng EPC các bên phải thỏa thuận cụ thể những nội dung chủ yếu sau:
Phạm vi công việc dự kiến thực hiện theo hợp đồng EPC;
Vị trí xây dựng, hướng tuyến công trình, loại, cấp công trình; quy mô, công suất và phương án sản phẩm được lựa chọn, năng lực khai thác sử dụng;
Các thông tin về các tài liệu, số liệu về điều kiện tự nhiên, địa chất công trình, địa chất thủy văn, thủy văn của khu vực nơi xây dựng công trình;
Các yêu cầu về thiết kế xây dựng và một số thông số thiết kế ban đầu;
Các phương án công nghệ, kỹ thuật, thiết bị và thương mại; xuất xứ thiết bị, sản phẩm; giải pháp về mặt công nghệ kết nối thích ứng với các hệ thống kỹ thuật hiện hữu (nếu có);
Phương án kết nối hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài phạm vi công trình; giải pháp phòng, chống cháy, nổ thuộc phạm vi của gói thầu EPC;
Giải pháp về xây dựng, vật liệu chủ yếu được sử dụng;
Các yêu cầu về quản lý chất lượng công trình xây dựng, thử nghiệm, vận hành chạy thử, bảo hành và bảo trì công trình;
Giải pháp về kiến trúc, mặt bằng, mặt cắt, mặt đúng công trình, các kích thước, kết cấu chính của công trình xây dựng thuộc phạm vi của gói thầu EPC;
Danh mục và mức độ áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật được sử dụng trong thiết kế, cung cấp thiết bị và thi công xây dựng công trình;
Các chỉ dẫn kỹ thuật đối với vật tư, thiết bị, dịch vụ kỹ thuật; quy trình vận hành từng phần và toàn bộ công trình thuộc phạm vi của gói thầu EPC;
Yêu cầu về bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn, phòng chống cháy nổ và những vấn đề khác;
Các yêu cầu liên quan đến các thủ tục phê duyệt; số lượng các loại hồ sơ, tài liệu và mốc thời gian phải nộp cho bên giao thầu;
Kế hoạch tiến độ thực hiện và các mốc hoàn thành những công việc, hạng mục công trình chủ yếu và toàn bộ công trình để đưa vào khai thác, sử dụng;
Phân định trách nhiệm giữa bên giao thầu và bên nhận thầu về cung cấp điện, nước, thông tin liên lạc, đường giao thông nội bộ và các dịch vụ khác có sẵn trên công trường và việc xử lý giao diện giữa các gói thầu trong cùng một dự án xây dựng.
Quy định về tính pháp lý của hợp đồng xây dựng
Theo Điều 6 Nghị định 37/2015/NĐ-CP quy định về tính pháp lý trong hợp đồng xây dựng như sau:
Hợp đồng xây dựng có hiệu lực là cơ sở pháp lý cao nhất mà bên giao thầu, bên nhận thầu và các bên liên quan có nghĩa vụ thực hiện;
Hợp đồng xây dựng có hiệu lực là cơ sở pháp lý cao nhất để giải quyết tranh chấp giữa các bên. Các tranh chấp chưa được các bên thỏa thuận trong hợp đồng sẽ được giải quyết trên cơ sở các quy định của pháp luật có liên quan;
Các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan kiểm soát, cấp phát, cho vay vốn, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và các cơ quan có liên quan khác phải căn cứ vào nội dung hợp đồng xây dựng có hiệu lực pháp lý để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định, không được xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia hợp đồng.
Trong đó, hợp đồng xây dựng có hiệu lực pháp lý khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
Người tham gia ký kết có đầy đủ năng lực hành vi dân sự;
Đáp ứng các nguyên tắc ký kết hợp đồng nêu trên;
Hình thức hợp đồng bằng văn bản và được ký kết bởi người đại diện đúng thẩm quyền theo pháp luật của các bên tham gia hợp đồng. Trường hợp một bên tham gia hợp đồng là tổ chức thì bên đó phải ký tên, đóng dấu theo quy định của pháp luật.
Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng xây dựng là thời điểm ký kết hợp đồng (đóng dấu nếu có) hoặc thời điểm cụ thể khác do các bên thỏa thuận trong hợp đồng xây dựng và bên giao thầu đã nhận được bảo đảm thực hiện hợp đồng của bên nhận thầu (đối với hợp đồng có quy định về bảo đảm thực hiện hợp đồng).
>>Xem thêm: Hợp đồng lao động phải được lập thành mấy bản?
Trên đây là bài viết tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vấn đề gì thắc mắc, vui lòng liên hệ LawKey hoặc có thể sử dụng dịch vụ Luật sư tư vấn của chúng tôi.
Các loại chứng khoán theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Trên thị trường hiện nay gồm có các loại chứng khoán nào? Việc phân loại chứng khoán dựa theo những tiêu chí nào? Lawkey [...]
Phân biệt khởi tố vụ án và khởi tố bị can theo quy định pháp luật hiện hành
Thuật ngữ khởi tố vụ án và khởi tố bị can khiến nhiều người bị nhầm lẫn. LawKey xin phân biệt khởi tố vụ án và khởi [...]