Thừa phát lại là gì? Vai trò của thừa phát lại trong thi hành án dân sự Việt Nam
Để hiểu thêm về thừa phát lại, hãy cùng Lawkey tìm hiểu về vấn đề Thừa phát lại là gì ai trò của thừa phát lại trong thi hành án dân sự Việt Nam trong bài viết dưới đây
Khái niệm thừa phát lại
Theo Nghị định số 08/2020/NĐ-CP năm 2020, thừa phát lại là người có đủ tiêu chuẩn được nhà nước bổ nhiệm để thực hiện tống đạt, lập vi bằng xác minh điều kiện Thi hành án dân sự, tổ chức Thi hành án dân sự theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan.
Công việc của thừa phát lại ở các nước trên thế giới là công việc độc quyền, chỉ thừa phát lại mới được làm còn ở Việt Nam vẫn còn tồn tại song song công việc trong thi hành án dân sự của thừa phát lại và Chấp hành viên và công việc này còn đang bị bó hẹp.
Vi bằng là gì?
Theo khoản 3 Điều 2 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP:
Vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của Nghị định này.
Tống đạt là gì?
Khoản 2 Điều 2 Nghị định số 08/2020/NĐ-CPquy định:
Tống đạt là việc thông báo, giao nhận giấy tờ, hồ sơ, tài liệu do Thừa phát lại thực hiện theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan
Thừa phát lại trong thi hành án dân sự
Thừa phát lại trong thi hành án dân sự là việc thừa phát lại, Văn phòng thừa phát lại căn cứ chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của mình để thực hiện tống đạt, xác minh điều kiện thi hành án dân sự, tổ chức thi hành án dân sự qua đó hiện thực hóa các bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực của pháp luật trong thực tiễn đời sống xã hội nhằm bảo đảm thực thi công lý, công bằng xã hội.
Đặc điểm của thừa phát lại
– Thừa phát lại là người đạt đủ các tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, được Nhà nước bổ nhiệm và trao quyền để thực hiện một số công việc theo quy định của pháp luật.
– Thừa phát lại là người hành nghề tự do, không phải là công chức, không hưởng lương từ ngân sách nhà nước, hoạt động không theo chế độ công vụ nhưng khi thực hiện một số công việc nhất định lại có quyền như những cán bộ công chức.
– Thừa phát lại thực hiện các công việc liên quan đến hoạt động thi hành án dân sự chỉ được thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn mà pháp luật cho phép liên quan đến thi hành án dân sự như: tống đạt văn bản, giấy tờ, xác minh điều kiện thi hành án và thi hành án dân sự.
– Thừa phát lại hoạt động theo những quyên tắc về quy chế hoạt động, đạo đức nghề nghiệp mà pháp luật quy định, chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Vai trò của thừa phát lại
– Hoạt động của thừa phát lại nhằm bảo đảm lợi ích nhà nước, tổ chức và cá nhân được xúc tiến thực hiện đồng thời, song song và đúng pháp luật. Mục tiêu dân chủ hóa tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, tránh xung đột lợi ích dẫn đến khiếu kiện nhiều cấp của người dân.
– Thực hiện chủ trương “xã hội hóa hoạt động tư pháp” của Đảng, tạo cơ chế để người dân tăng cường tính chủ động, tích cực trong các quan hệ dân sự, tố tụng dân sự, hành chính. Việc lập vi bằng, tạo tính pháp lý của chứng cứ giúp người dân có cơ sở bảo vệ quyền, lợi ích của mình trong tố tụng và trong các giao dịch dân sự.
– Thừa phát lại tạo một thị trường cung cấp dịch vụ pháp lý, dịch vụ hành chính tư pháp, bổ trợ tích cực cho cơ cấu hoạt động của ngành tư pháp đáp ứng ngày càng cao yêu cầu của xã hội.
– Dưới góc độ xã hội, hoạt động thừa phát lại bước đầu tạo lập một nghề mới trong thị trường cung cấp dịch vụ pháp lý, dịch vụ hành chính tư pháp, tạo nên một nghề cho xã hội.
– Đối với hoạt động tư pháp liên quan, hoạt động thừa phát lại đã bổ trợ tích cực cho hoạt động tư pháp, bảo đảm các hoạt động này được nhanh hơn, chặt chẽ hơn; góp phần giảm tải tình trạng quá tải trong công việc của các cơ quan tư pháp, trước hết là Tòa án và cơ quan thi hành án dân sự.
> xem thêm: Nghị định 08/2020/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại
Trên đây là nội dung tư vấn Thừa phát lại là gì? Vai trò của thừa phát lại trong thi hành án dân sự Việt Nam Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, bạn đọc vui lòng liên hệ LawKey để được giải đáp chi tiết.
Đăng ký chào bán trái phiếu ra công chúng tại Việt Nam của doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo pháp luật nước ngoài
Nhiều doanh nghiệp hoạt động theo pháp luật nước ngoài nên còn gặp nhiều khó khăn trong việc chào bán trái phiếu tại [...]
Quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam của cá nhân và tổ chức nước ngoài
Quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam của cá nhân và tổ chức nước ngoài được pháp luật nhà ở quy định như thế nào? [...]